Cô giáo hướng dẫn phụ huynh đánh vần 'lạ': Bộ GD-ĐT cho rằng không mới, không 'lạ'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/08/2018 19:17 GMT+7

Liên quan đến vụ clip cô giáo hướng dẫn phụ huynh đánh vần 'lạ', ngày 27.8, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng đây là cách theo chương trình công nghệ giáo dục đã tổ chức nhiều năm nay, không phải cái gì đó mới hay phát hiện lạ.

Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định

Trao đổi với báo chí,  ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho hay “Tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại  đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì”.

 

Cũng theo ông Hữu, chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành”, ông Hữu giải thích.

 
Một chương trình "lận đận"

Báo Thanh Niên đã từng có không ít bài nói về sự lận đận của mô hình giáo dục này. CNGD là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục VN- Bộ GD-ĐT. Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000. Do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 nên CNGD phải dừng lại vào năm 2001.

Trong tròn 40 năm qua, dù có thời điểm không tồn tại một cách công khai và rầm rộ nhưng đối với những người làm giáo dục và quan tâm tới giáo dục, dường như chưa bao giờ chương trình này bị lãng quên. Chính vì thế dù có lệnh dừng nhưng đến năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía bắc cùng với 5 tỉnh phía nam là Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang, tiếp tục kiên định quay lại chương trình này. Thế nên năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (gọi tắt là tiếng Việt 1 - CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ.

 


Đến năm học 2013-2014, có 37 tỉnh thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD cho khoảng 200.000 học sinh học lớp 1. Bộ GD-ĐT cũng vì thế đã quyết định không gọi đây là một phương pháp thí điểm nữa mà cho phép thực hiện chính thức với nơi nào có nhu cầu. Điều khiến GS Hồ Ngọc Đại vui mừng nhất là sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Bộ GD-ĐT mà cụ thể là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đó.  Ông Nguyễn Vinh Hiển, từng giải thích với Thanh Niên: “Chính do tính ưu việt của chương trình, do nhu cầu ngày càng lớn của các địa phương nên Bộ GD-ĐT đã quyết định triển khai đại trà. Khi một bộ tài liệu đã được Bộ phê duyệt thì Bộ phải đảm bảo đó là tốt nhất hiện có để dạy và học”.

 

Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt CNGD. Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.

 

Theo GS Hồ Ngọc Đại, CNGD được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: ai cũng học được; học gì được nấy; học đâu chắc đó. Do đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học bộ sách này thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.

 

Sẽ giải thích rõ cho phụ huynh

Chiều 27.8, ông Đống Thành Đạt, Trưởng phòng GD- ĐT H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết Ban giám hiệu trường Tiểu học Dương Đông 1 - nơi cô giáo giảng dạy đã có báo cáo với phòng về tình hình vụ việc.

Theo báo cáo của Trường Tiểu học Dương Đông 1, vào ngày 25.8, nhà trường có tổ chức cuộc họp phụ huynh đầu năm ở tất cả các khối lớp. Trong nội dung cuộc họp của riêng khối 1, có thêm phần tuyên truyền cách giảng dạy chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục theo sự chỉ đạo của ngành hàng năm.

Theo lời cô Đỗ Thị Phương Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, cũng là giáo viên trong clip), trong lúc giới thiệu chương trình, phổ biến luật chính tả, cách đánh vần theo công nghệ giáo dục thì có một phụ huynh hỏi: “Đây có phải là chương trình mới không cô? Có phải của ông Bùi Hiền không cô?” Cô Trang trả lời: “Không phải! Của ông Hồ Ngọc Đại” và nói cho phụ huynh biết chương trình này đã triển khai ở H.Phú Quốc 4 năm rồi.

Dù sau khi cô Trang giải thích, phụ huynh cũng vui vẻ ra về nhưng hơn 10 giờ sau, thấy clip đăng trên mạng, cô Trang đã chủ động trao đổi giải thích thêm và nhờ phụ huynh gỡ clip nhưng phụ huynh nói đã lỡ gửi cho vài người bạn.

Theo Ban Giám hiệu  Trường Tiểu học Dương Đông 1, cô Trang đã hướng dẫn không sai theo chương trình công nghệ giáo dục lớp 1. Đồng thời lãnh đạo nhà trường cho rằng do phụ huynh không nắm rõ chương trình nên vội vàng kết luận và chia sẻ trên mạng xã hội. Trước tình hình trên, nhà trường quyết định sẽ mời phụ huynh lớp 1/3 đến họp thêm lần nữa để giải thích rõ và có sự hợp tác tốt với giáo viên.      

Trước đó, chiều 25.8, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 về chương trình dạy học mới với những thay đổi về cách đánh vần.

Theo nội dung clip được chia sẻ, giáo viên này đang hướng dẫn các phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình công nghệ đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Sau  khi clip được đăng tải ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ và bình luận. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải là chương trình giáo dục mới được áp dụng không.

Hoàng Trung

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.