Trong hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng, cụm thi trường chuyên biệt, do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cuối tháng 1 vừa qua, các tiết mục của thí sinh Tạ Mỹ Linh (27 tuổi), luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của một nhóm cổ động viên “đặc biệt” ngồi ở một góc khán phòng.
“Đặc biệt” là bởi những khán giả này chỉ biết cười và vỗ tay, không thể reo hò bởi các em không biết nói. Các em là nhóm học sinh khiếm thính của Trường PTCS Xã Đàn, một trường học dạy hòa nhập (học sinh khiếm thính học chung trường với học sinh bình thường) của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Dù không được giải cao nhất của cuộc thi, nhưng cô giáo Tạ Mỹ Linh cho biết, cô rất xúc động vì được biểu diễn cho học sinh của mình xem ở một sân khấu bên ngoài trường. “Quanh năm tôi là khán giả cổ vũ cho các em, và tôi rất hãnh diện với vai trò này. Nhưng thỉnh thoảng “đổi vai” cho nhau như thế này cũng vui. Quan trọng là thấy các em rất yêu thương, mong đợi rất nhiều ở mình”, cô Linh chia sẻ.
|
Người “chạm” được vào trái tim học sinh khiếm thính
Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, nhận xét: “Cô Mỹ Linh được trao giải thí sinh có màn trình diễn trang phục tự chọn ấn tượng nhất, đó là một tin rất vui với tập thể giáo viên, học sinh Trường PTCS Xã Đàn. Nhưng cô Linh có một cái giỏi khác chưa được đưa ra thi thố ở cuộc thi, đó là khả năng khích lệ học sinh của trường nói chung, học sinh khiếm thính nói riêng, thể hiện… tài năng. Từ khi cô ấy được giao làm Tổng phụ trách Đội, các hoạt động tập thể của học sinh trong trường thực sự được khởi sắc, trong đó có sự tham gia rất hăng hái của các em khiếm thính”.
Cô Linh cho biết, cô bắt đầu về nhận công tác tại Trường PTCS Xã Đàn từ năm 2017 và 2 năm sau cô mới được giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội. Đó là cơ hội để cô hiện thực hóa những dự định được ấp ủ từ trước đó, khi bắt đầu được tiếp xúc với học sinh khiếm thính. “Các em tuy không nghe, không nói được, nhưng lại tiềm ẩn nhiều tài năng, như múa hoặc vẽ. Đặc biệt là các em rất giàu tình cảm, và khao khát được bộc lộ tình cảm đó, nhu cầu tương tác của các em cũng rất lớn. Vì thế, chỉ cần mình “chạm” được một chút vào tâm tư, tình cảm của các em thì các em sẽ thể hiện các khả năng của mình một cách rất nhiệt tình”, cô Mỹ Linh tâm sự.
Một hoạt động rất thành công mà Trường PTCS Xã Đàn thực hiện được mấy năm nay là việc thành lập các nhóm múa cho học sinh khiếm thính, tổ chức cho các em biểu diễn trong các dịp lễ lạt. Các nhóm múa thành công đến nỗi, sân khấu của các em không chỉ gói gọn trong hội trường của trường mà các em còn được tham gia biểu diễn ở nhiều đơn vị trong ngành, kể cả ở hội trường của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Các con chỉ việc vui, còn lại để cô…
Một thành công khác, chính cô Linh và Ban giám hiệu Trường PTCS Xã Đàn cũng bất ngờ, đó là sáng kiến vẽ tranh lên bao lì xì rồi phát hành gây quỹ “Xuân yêu thương”, rất được phụ huynh và nhiều người dân tán thưởng.
|
Cô Linh kể: “Học sinh khiếm thính thường có khả năng đặc biệt về mỹ thuật. Nhà trường có một CLB hội họa, do một giáo viên mỹ thuật phụ trách, để dạy vẽ cho các em. Hàng năm, nhà trường tổ chức rất nhiều cuộc thi vẽ, các em tham gia rất nhiệt tình. Năm ngoái, tôi chợt nảy ra ý nghĩ, sao không dùng tranh của các em để thiết kế bao lì xì, để ban phụ huynh bán gây quỹ! Ban đầu nghĩ là chỉ bán trong nội bộ phụ huynh trường mình. Ai ngờ những bao lì xì đó được nhiều người dân bên ngoài rất thích, đặt mua rất nhiều. Năm nay chúng tôi lại tiếp tục hoạt động này, và gặt hái được thành công tương tự. Tổng số bao lì xì ban phụ huynh phát hành được lên tới 90.000 chiếc/năm”.
Số tiền bán lì xì được sử dụng để mua quà tặng cho các bạn học sinh khiếm thính và các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, động viên các bạn trong học tập cũng như chung tay giúp các bạn có những ngày Tết đầm ấm như bao bạn nhỏ khác.
Theo cô Linh, năm nay cũng như năm ngoái, cuộc thi vẽ tranh lên bao lì xì được phát động chung cho học sinh toàn trường để chọn ra 10 tranh đẹp nhất. Tuy nhiên, chung cuộc tác giả của 8 trong số 10 tranh được chọn là học sinh khiếm thính, chỉ có 2 tranh là của học sinh bình thường. Cô Linh nói: “Tinh thần của Ban giám khảo là đối xử bình đẳng với các em, cứ tranh đẹp thì chọn. Nhưng khả năng vẽ của các bạn khiếm thính thì không ai có thể phủ nhận. Khi tôi phát động cuộc thi này, chính mấy em học sinh bình thường cũng nhận xét, tranh của chúng em làm sao đọ nổi với tranh các bạn ấy (tức các bạn khiếm thính)!”.
Thầy Hoan nhận xét: “Các em khiếm thính khó khăn về nghe nói, nhưng vẫn luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, vẫn luôn cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện mỗi ngày. Cái may của nhà trường là có cô Tổng phụ trách Đội tâm huyết, yêu thương các em, rất chịu khó chăm chút cho các hoạt động của các em. Trước mỗi sự kiện, cô Linh hay nói câu: “Các con chỉ việc vui, còn lại để cô…”. Cái giỏi của cô Mỹ Linh và các thầy cô khác trong trường là rất biết cách cổ vũ các em, khơi thông dòng chảy để các em tuôn ra nguồn năng lượng có ích”.
Bình luận (0)