Buổi học toán đặc biệt của học sinh ở ngôi trường dạy trẻ khiếm thính

Quý Hiên
Quý Hiên
07/01/2020 23:04 GMT+7

Khoảng 200 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9, trong đó hơn 30 em khiếm thính ở mức độ nặng, đã cùng nhau học chung một buổi học, mà người dạy là các nhà toán học và cộng tác viên của tạp chí toán.

Chiều nay, 7.1, tại Trường PTCS Xã Đàn, một trường chuyên biệt dạy hòa nhập học sinh khiếm thính của Sở GD-ĐT Hà Nội, đã diễn ra một “buổi học đặc biệt”. Khoảng 200 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 của trường, trong đó hơn 30 em khiếm thính ở mức độ nặng (nghĩa là hoàn toàn không nghe được gì, và không nói được), đã cùng nhau học chung một buổi học toán, người dạy không chỉ là các thầy cô vẫn dạy toán cho các em hàng ngày mà còn có các nhà toán học đến từ Viện Toán học Việt Nam.

"Buổi học đặc biệt"

Buoi-hoc-toan-dac-biet

Học sinh Trường PTCS Xã Đàn đang tham gia trò chơi toán học

Ảnh Thanh Hùng

Buổi học bắt đầu bằng bài giảng đại chúng của PGS Phan Thị Hà Dương, Viện toán học Việt Nam, về lý thuyết đồ thị và ứng dụng của nó trong cuộc sống. Mở đầu bài giảng của mình, cô Hà Dương kể câu chuyện về một thành phố xa xưa, nơi có một dòng sông chảy bao quanh và có 7 cái cầu bắc qua sông, nối các khu vực trong thạnh phố. Câu hỏi đặt ra là, liệu có thể dạo quanh thành phố, lần lượt đi qua 7 cây cầu, mỗi cây cầu chỉ đi qua một lần và kết thúc hành trình ở điểm xuât phát? Không ai chắc chắn là mình có câu trả lời đúng, cho đến năm 1736, khi một nhà toán học có tên là Euler, đã chứng minh được là không thể, qua một đồ thị mô hình hóa đường đi qua 7 cây cầu.

Buổi học toán đặc biệt với hàng trăm học sinh thường học chung với học sinh khiếm thính

Trong khoảng hơn 30 phút tiếp theo, PGS Hà Dương đã dẫn dắt các em học sinh tiếp tục khám phá một số kiến thức đơn giản trong lý thuyết đồ thị, rồi kết thúc ở câu chuyện về mạng lưới xã hội đang rất quen thuộc với xã hội chúng ta ngày nay: Facebook.
Sau đó thì các em được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm bao gồm cả em khiếm thính và em bình thường), chơi các trò chơi toán học tại các trạm: tổ hợp, logic, hình học, số học, tháp Hà Nội, bốc sỏi, phòng chiếu phim; tên trạm được đánh số thứ tự lần lượt từ 1 đến 7. Trước khi chơi, các em được phát bộ câu đố (gồm 4 câu về tổ hợp, logic, hình học, số học) và một phiếu xác nhận là đã tham gia đủ 4 trạm.
Đối với bộ câu đố, các em thảo luận để tìm ra lời giải, ghi đáp án vào tờ câu hỏi và mang đến trạm tương ứng để các thầy cô kiểm tra lời giải và đáp án. Mỗi câu trả lời đúng, các em được một dấu triện hoặc chữ ký của thầy cô phụ trách. Song song với việc giải các câu đố, các em nếu muốn có thể tham gia các trạm 5, 6, 7 và cũng được nhận một dấu triện hoặc chữ ký của thầy cô khi vượt qua thử thách.
Sau khi có đủ 7 xác nhận tại 7 trạm, các em mang tờ phiếu xác nhận đến bàn của tạp chí Pi để nhận quà từ Viện Toán học Việt Nam.
Theo quan sát của báo Thanh Niên, các em học sinh bình thường và khiếm thính đã hồ hởi tham gia các trạm nhiệt tình. Thậm chí, một nhóm học sinh khiếm thính lớp 8B cùng thầy Thành, giáo viên phụ trách của các em, còn miệt mài ngồi chụm đầu vào nhau cả mấy chục phút để giải một câu đố ở trạm 3 (hình học).
Sau khi cùng các học sinh của mình đi qua 7 trạm trong hoan hỉ, thầy Thành chia sẻ: “Các con nhận được một bài toán về tính diện tích của một hình vuông, trong hình vuông đó còn có một hình khác. Câu hỏi là làm sao tính diện tích của hình bên trong đó. Với học sinh bình thường, câu hỏi này không khó vì mỗi nhóm chơi đều có giáo viên dẫn dắt. Nhưng với học sinh khiếm thính thì tư duy kết nối của các con chậm hơn, nên tôi phải kiên trì giúp các em vượt qua thử thách. Nhờ cách học này vui, thực sự là giống như đang chơi, nên các con quên cả thời gian”.
Thầy Tiến, một giáo viên toán của trường Xã Đàn, người giúp PGS Hà Dương “dịch” bài giảng đại chúng thành ngôn ngữ cử chỉ, cũng “khoe”: “Các em đều nói là làm ngon lành bài tổ hợp, chỉ có bài hình thì hơi khó khăn, phải nhờ sự trợ giúp của những bạn khá hơn thì mới “qua”. Các em cũng nói là rất thích các trò chơi. Còn với bài giảng đại chúng, do hiện nay trong ngôn ngữ ký hiệu của các em về môn toán cũng chưa đủ, nên khó khăn trong tiếp thu. Vì vậy nhiều nội dung các em nghe xong mới hiểu một phần”.

Truyền tải thông điệp: không sợ toán, vì toán không khó

Buoi-hoc-toan-dac-biet

Các em học sinh ở trạm "Chơi sỏi"

Ảnh Thanh Hùng

Theo GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, “buổi học đặc biệt” ở Trường PTCS Xã Đàn hôm nay là một trong chuỗi hoạt động của chương trình Mang toán và sách toán đến trường phổ thông do tạp chí Pi tổ chức, với sự hỗ trợ của Viện toán học Việt Nam và sự tham gia của Tủ sách Sputnik.
“Buổi học” tại Trường PTCS Xã Đàn là sự kiện thứ 5 (trước đó tổ chức tại 4 trường khác nhau của Hà Nội và Hải Phòng). Dẫu biết mang toán đến cho học sinh khiếm thính, khả năng tương tác khó khăn, mà vẫn cuốn hút được các em, là một thách thức, nhưng ban tổ chức vẫn tự tin sẽ làm được.
“Theo nhận xét chủ quan của tôi, nói chung học sinh của chúng ta phải học nhiều quá, ít khi được chơi, nhất là những trò chơi tập thể, cho nên bất kỳ một hình thức chơi nào thì cũng đều khiến cho các em cảm thấy hứng thú. Nếu chúng ta lồng được vào trong trò chơi những câu hỏi của toán học thì các em thấy toán học nó hấp dẫn hơn”, GS Phùng Hồ Hải nói.
Cũng theo GS Phùng Hồ Hải, mục đích của chương trình trước hết là làm cho các em học sinh cảm thấy toán học gần gũi hơn. Thứ hai là nâng cao văn hóa đọc của học sinh, khiến cho các em thích đọc hơn. “Chúng tôi muốn thông qua báo chí, sách vở mà hôm nay chúng tôi mang đến đây, thì các em thích đọc hơn. Thông điệp xuyên suốt chương trình của chúng tôi là đừng sợ toán, vì toán không khó”, GS Phùng Hồ Hải chia sẻ.
Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, tâm sự: “Hôm nay tôi là một người thầy hạnh phúc, vì thấy các con hồ hởi vui chơi tôi biết là các con đang có một trải nghiệm hạnh phúc”.
Thầy Hoan cũng cho biết thêm, trường vẫn tổ chức nhiều buổi hoạt động ngoại khóa cho học sinh, nhưng thường thiên về các hoạt động có tính vận động. Còn kiểu học mà chơi như thế này, là rất ít. “Tôi mong sau buổi hôm nay, thầy trò chúng tôi có thể tự tin để tự tổ chức những buổi tiếp theo với những bài giảng có hình thức mới mẻ, hay là những trò chơi trí tuệ khác”.
Tạp chí Pi là tạp chí toán do GS Ngô Bảo Châu khởi xướng, ra số đầu tiên vào tháng 1.2017. Ban đầu, tiền để làm tạp chí Pi được lấy từ toàn bộ khoản tiền mà GS Ngô Bảo Châu được tặng cùng với giải thưởng Fields danh giá (15.000 USD). Suốt mấy năm nay, ngân sách để xuất bản, in và phát hành Pi chủ yếu dựa vào các nhà tài trợ. Ban biên tập của Pi làm việc chủ yếu trên tinh thần thiện nguyện.
Đây là tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến toán học và các ứng dụng của nó, những người thích toán và cả những người tạm thời chưa thích toán.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.