Cô giáo trẻ đã từng khóc cạn nước mắt...

18/05/2021 00:00 GMT+7

Đã 5 năm rồi kể từ ngày nhận quyết định về vùng biên dạy chữ , cô giáo Nông Thị Nga (28 tuổi, ở xã Sa Bình, H.Sa Thầy, Kon Tum), đại sứ của chương trình “Điều ước cho em”, quen dần với những con đường xuyên núi.

Cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum hơn 70 km về hướng tây, Mô Rai là một xã biên giới xa xôi hẻo lánh của H.Sa Thầy. Ở đó có cô giáo Nông Thị Nga, đại sứ của chương trình “Điều ước cho em”.

Vượt qua nghịch cảnh

Vào một sáng tháng 5 oi ả, chúng tôi quyết định ngược về miền biên viễn Mô Rai để tìm gặp đại sứ của chương trình “Điều ước cho em” tại Kon Tum. Sau hơn nhiều giờ đồng hồ len lỏi giữa núi cao và mây mù, đoàn mới đến được Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Mô Rai).

Luôn hết mình vì học sinh thân yêu

Thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Lý Thường Kiệt, cho biết trong quá trình công tác tại trường, cô Nông Thị Nga là giáo viên nhiệt tình, chịu khó. Dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng cô vẫn cố gắng vươn lên. “Trong công tác, cô Nga luôn hết mình vì học sinh thân yêu. Những mô hình, dự án của cô đã giúp đỡ cho rất nhiều em học sinh trong trường. Cũng từ mô hình “Tiệm tạp hóa nhỏ” đã góp phần kéo học sinh trở lại lớp. Mỗi dự án của cô Nga đều mang một ý nghĩa thiết thực đối với học sinh của trường”, thầy Long nói.
Trong tiếng ve râm ran, giáo viên toàn trường đang phân công nhau tỏa đi các hướng làm vệ sinh. Sau bài thi cuối cùng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh toàn trường được nghỉ học. Ngày cuối ở lại trường, cô Nông Thị Nga đang cùng các đồng nghiệp dọn dẹp cỏ rác trên sân trường để chuẩn bị nghỉ hè.
Dắt khách ngồi dưới tán cây trong sân trường, cô Nga bắt đầu kể về những ngày đã cũ. Gia đình có 5 chị em gái, hoàn cảnh khó khăn, bố lại mất sớm khiến các chị gái của cô lần lượt phải từ bỏ ước mơ vào đại học. Thương mẹ, Nga quyết tâm học thật tốt để viết tiếp những ước mơ còn dang dở của các chị.
Năm 2011, Nga đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Kon Tum trong sự vui mừng của gia đình. Thương con gái, mẹ cô cố gắng làm lụng rồi vay mượn đủ chỗ với ước mong đổi phận cho con. Năm 2012, Nga quyết định lấy chồng. Cuộc sống những tưởng cứ thế êm đềm trôi qua thì bất ngờ năm 2013 chồng cô đổ bệnh nặng. “Tôi chết lặng, tiếp nối thời gian đó là một nỗi buồn nặng nề, đè nén lên gia đình nhỏ. Gửi con thơ hơn 11 tháng ở nhà cho ông bà nội chăm, tôi thuê trọ để vừa đi học vừa tiện chăm sóc cho chồng. Ròng rã một tháng trời, bệnh viện trả anh về trong tuyệt vọng. Tôi khóc cạn nước mắt”, cô Nga kể.
Nga bắt đầu hành trình chạy chữa với hy vọng mong manh để giành giật sự sống cho chồng. Nhưng mọi khổ đau chưa dừng lại ở đó. Bẵng đi vài năm, con gái đầu của cô Nga đã 4 tuổi nhưng chẳng thể nói được dù chỉ một từ. Sau khi đi khám nhiều nơi, cô Nga nhận “tin sét đánh” con bị thiểu năng trí tuệ. Quãng thời gian đó đối với cô như chìm vào bế tắc. Cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khốn khó khi đứa con gái út bị viêm ruột liên tục phải nhập viện. Còn cô Nga sau một lần ốm nặng thì phát hiện mình bị u nang buồng trứng.
“Nhiều khi cũng muốn buông xuôi, nhưng nhìn chồng con tôi lại tự nhủ phải cố gắng thật nhiều”, cô Nga trải lòng.

Cô Nông Thị Nga

Những mô hình tiên phong

Năm 2015, cô Nga ra trường rồi về huyện biên giới Sa Thầy công tác. Một năm sau đó, cô được chuyển lên giảng dạy tại xã Mô Rai cách nhà hơn 70 km.
Cô Nga vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đi nhận công tác. Cô dậy từ khi gà vừa gáy sáng để nấu vội bữa cơm cho chồng con. Sáng mùa đông trời còn mờ tối, cô giáo trẻ dắt chiếc xe máy cà tàng chạy về TT.Sa Thầy đón thêm một người bạn nữa cùng đi. Cả hai lầm lũi trên con đường rải đá xuyên qua vùng rừng núi của Vườn quốc gia Chư Mom Ray dài hơn 40 km không một bóng người qua lại, có đoạn vắt qua những sườn đồi trơn trượt...
Những ngày đầu đi dạy ở miền biên viễn đối với cô Nga cũng chẳng dễ dàng. Ở nơi nắng gió, mưa mù này phụ huynh rất ít quan tâm đến việc học hành của con trẻ. Cùng với đó là đường sá đi lại còn khó khăn khiến học sinh nghỉ học rất nhiều.
Cô Nga tâm sự, các em học sinh ở xã Mô Rai đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông hoặc ai thuê gì làm đó nên việc lo đủ cái ăn còn khó. Nhà nghèo, một số em phải nghỉ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Mặc dù nhà trường, giáo viên đến nhà vận động nhiều lần nhưng các em chỉ đến lớp ít hôm rồi lại nghỉ ngang vì lo “miếng cơm, manh áo”. Để học sinh đi học, cô Nga cùng đồng nghiệp phải ra sức vận động liên tục. Thậm chí, nhiều lúc các cô phải dùng bánh kẹo để “dụ” học sinh. Sau những nỗ lực của giáo viên toàn trường, những đứa trẻ “cứng đầu” nhất cũng được kéo trở về lớp học.
Do kiếm miếng ăn đã khó, người dân nơi đây có mấy ai để ý đến vẻ bề ngoài. Nhìn những cậu học sinh tóc tai rối bù, cô Nga chẳng đành lòng. Thế là ngoài giờ đứng lớp, cô lại hóa thân thành “thợ cắt tóc” mà khách hàng không ai khác chính là học sinh của mình. Cũng bắt đầu từ đây, mô hình “Tiệm tóc không đồng” do cô phát động lan rộng ra toàn trường. Nhiều giáo viên cũng xắn tay áo lên cắt tóc cho học trò.
Không chỉ có vậy, nhiều lần lên lớp cô Nga đã bật khóc khi chứng kiến các em phải dùng chiếc thước đã gãy hay những chiếc khăn quàng rách tươm. Cũng vì những thiếu thốn đó mà các em mang tâm lý mặc cảm, tự ti khi đến lớp. Nhiều em phải bỏ học chỉ vì không có dụng cụ học tập. Trước tình cảnh đó, cô liền nghĩ ra mô hình “Tiệm tạp hóa nhỏ”, khuyến khích các em học sinh đem vỏ lon nước, chai nhựa, giấy vụn, sách vở cũ để đổi lấy dụng cụ học tập. Mô hình sau đó cũng được nhân rộng ra toàn trường, nhờ vậy mà học sinh được thay mới dụng cụ học tập. Các em không còn tự ti, mặc cảm khi dùng đồ cũ. Và cũng từ đây, các em đã đến trường đều đặn, đầy đủ hơn.
Gương sáng biên cương: Đại sứ vùng biên

Cô Nông Thị Nga trong một giờ lên lớp và cắt tóc cho học sinh sau giờ học

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Mong ước được sẻ chia

Nói về mong ước cho học trò, cô Nga chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số, luôn hy vọng mình có thể đem tất cả những gì học được để truyền đạt cho các em. Tôi chỉ mong ước các em đến lớp đầy đủ và có sách vở, bút. Bên cạnh đó, tôi hy vọng có thêm nhiều sách tham khảo, bổ trợ để các em học tập tốt hơn. Các em học sinh nơi đây vẫn đang còn đối mặt nhiều khó khăn, bản thân tôi và nhà trường chỉ có thể giúp đỡ các em được phần nào đó. Không những vậy, Kon Tum là một tỉnh nghèo nên trên địa bàn còn rất nhiều trường hợp học sinh khó khăn, cơ cực. Chính vì vậy, tôi mong muốn các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp thêm sức mạnh cho các em đến trường học con chữ”.
Với những đóng góp của mình, cô Nga được ban giám hiệu nhà trường tin cậy và giao cho nhiệm vụ Bí thư Đoàn trường. Đặc biệt vừa qua cô vinh dự trở thành đại sứ của chương trình “Điều ước cho em” tại Kon Tum. Đây là chương trình do Trung ương Đoàn phối hợp Bộ GD-ĐT, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo trên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.