Có hay không cái gọi là triều nguyệt?

23/03/2022 06:28 GMT+7

Hiện nay, có khá nhiều đồ án trang trí trên các di tích, đền chùa, có kiểu thức như 2 rồng hoặc 2 phượng, 2 lân chầu vào 1 hình tròn, đã được một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là các đồ án lưỡng long triều nguyệt, song phượng triều nguyệt, song lân triều nguyệt. Tuy nhiên, không một ai đưa ra dẫn chứng chủ thể đó là nguyệt, trong khi các đồ án với kiểu thức đó lại được không ít các nhà nghiên cứu cho là triều nhật.

Phần trán của bia Chiêu Nghi, thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765)

Vũ Kim Lộc

Những cuộc tranh luận

Được biết thuật ngữ triều nguyệt (chầu mặt trăng) xuất hiện vào những năm 1930, trong một nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam của học giả người Pháp Le Brentonrong, bởi ông đã căn cứ vào sự hiện diện trên các công trình kiến trúc cổ của các cặp rồng chầu vào một hình tượng trông giống như mặt trăng hoặc mặt trời.

Thực tế đã có những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà nghiên cứu về cái gọi là “lưỡng long triều nguyệt” hay “lưỡng long triều nhật”. Những người ủng hộ cho là triều nguyệt đã dựa vào nghiên cứu của ông Le Brentonrong, bởi ông cho rằng “lưỡng long triều nguyệt” là có thật và nó bị lai tạo hình ảnh rồng, tính đặc trưng trong quan niệm của người Trung Hoa; thậm chí có người còn cho rằng đó là biểu tượng văn hóa của VN. Còn những người cho là triều nhật thì lại cho rằng đó là một sai lầm vì hình tròn ở giữa không phải là mặt trăng, trăng không thể có những tia lửa bùng cháy. Tiếp tục, những người cho là triều nguyệt đã phản bác lại bằng cách đưa ra giải thích về các yếu tố kinh dịch và luận rằng hình tròn đó hẳn là mặt trăng bởi mặt trăng có liên quan đến con người và sinh vật…

Như vậy, thuật ngữ “triều nguyệt” hay “triều nhật” vẫn còn là sự tranh cãi trong một trăm năm qua.

Phần trán của bia Cảnh Hưng tam thập lục Ất Mùi Khoa Tiến sĩ đề danh ký (1775)

EFEO

Những phát hiện và kết luận

Về quan điểm của ông Le Brentonrong, qua tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của các đồ án hoa văn Trung Quốc (800 mẫu hoa văn đồ cổ Trung Quốc), cho thấy không có đồ án nào là lưỡng long triều nguyệt. Còn đồ án rồng chầu mặt trời được giải thích như sau: Được định danh là “lưỡng long triều dương” (hai rồng chầu mặt trời). Rồng biểu trưng cho nguyên lý “dương”. Do đó, đồ án này biểu thị cho “tam dương”, biểu ý của câu chúc “Tam dương khai thái” tức mọi việc đều hanh thông. Theo kinh dịch, tháng 10 âm lịch là tháng thuần âm (ba hào đều âm) gọi là quẻ Khôn, tháng 11 bắt đầu sinh ra một hào dương, gọi là quẻ Địa lôi phục, tháng chạp có 2 hào dương, gọi là quẻ Địa lâm trạch, và tháng giêng ba hào đều dương gọi là quẻ Địa thiên thái, tiết gọi là “tam dương khai thái”. Quả thật không rõ ông đã dựa vào cơ sở nào.

Để làm rõ vấn đề này, theo tôi chỉ còn cách cần phải tìm hiểu ý niệm về mặt trăng và mặt trời ở châu Á nói chung và VN nói riêng.

Nguyệt: Tức là mặt trăng, theo từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới thì trăng là biểu tượng của biến đổi và sinh trưởng, bởi nó trải qua các pha kỳ và thay đổi hình dạng (tròn, khuyết), nhưng cũng là cái chết đầu tiên do ba đêm trong mỗi tháng âm lịch trăng như là chết (không xuất hiện). Đối với người Trung Hoa, tết trăng là một trong ba ngày lễ tết hằng năm lớn nhất, tết đó là vào ngày rằm tháng tám (Tết trung thu). Còn trong đạo Hindu, vầng trăng lưỡi liềm là một biểu hiệu của thần Civa. Còn đối với Hồi giáo, trăng lưỡi liềm đi với một ngôi sao là hình ảnh của thiên đường… (tr.936 - 942).

Nhật: Tức là mặt mặt trời. Cũng theo từ điển nêu trên, ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, VN, mặt trời có sự liên quan mật thiết với hoa cúc như: hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, là sự trường tồn viên mãn… Ở Trung Quốc, Nhật Bản, mặt trời còn là biểu tượng của hoàng đế.

Ở nước ta, mặt trăng và mặt trời liên quan đến cuộc sống trong xã hội xưa rất nhiều như:

Mặt trăng, liên quan đến âm lịch và nông nghiệp, ông cha ta thường “trông trời trông đất trông mây” để dự báo thời tiết, và có hai hiện tượng phổ biến liên quan với mặt trăng được cha ông ta đúc kết thành câu tục ngữ: “Trăng quầng thì cạn (hạn), trăng tán thì mưa” và đã dùng chúng như một công cụ dự báo thời tiết.

Trong thời gian gần đây, là phát hiện mặt trời còn có sự liên quan mật thiết với hoa cúc. Chính từ phát hiện này mà đã nhận ra trong thể hiện về mặt trời trên các di tích, di vật ở các triều đại rất đa dạng về kiểu thức, đôi khi lại không có tia mà thay vào đó là các cánh hoa, hoặc vừa là mặt trời vừa là hoa cúc. Có lẽ chính từ sự phong phú về kiểu thức nên chúng ta rất dễ nhầm tưởng là mặt trăng

Mặt trời, thực tế đã cho thấy ngay ở thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay 4.000 đến 3.500 năm đã xuất hiện trên đồ gốm, tiếp đến là trên trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn, và đã được các nhà nghiên cứu cho rằng có sự liên quan đến tục thờ mặt trời. Đặc biệt trong thời gian gần đây, là phát hiện mặt trời còn có sự liên quan mật thiết với hoa cúc. Chính từ phát hiện này mà đã nhận ra trong thể hiện về mặt trời trên các di tích, di vật ở các triều đại rất đa dạng về kiểu thức, đôi khi lại không có tia mà thay vào đó là các cánh hoa, hoặc vừa là mặt trời vừa là hoa cúc. Có lẽ chính từ sự phong phú về kiểu thức nên chúng ta rất dễ nhầm tưởng là mặt trăng. Tiếp đến, phát hiện mặt trời còn là biểu tượng quyền lực trong xã hội ở nền văn hóa Đông Sơn, rồi được kế thừa là biểu tượng của hoàng đế trong các triều đại quân chủ. Nhất là ở triều Nguyễn, mặt trời và hoa cúc ngoài biểu tượng vương quyền còn là biểu tượng của quân đội. Phải nói sự kế thừa này giống như một sợi dây xuyên suốt chiều dài lịch sử, một sự kế thừa bền vững của dân tộc.

Nhìn chung, với những phát hiện mặt trời là biểu tượng của hoàng đế thì thật khó mà cho rằng đồ án trang trí triều nguyệt là có thật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.