Có hay không chuyện 'chạy' giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM?

05/01/2018 14:31 GMT+7

Sau khi Hội Nhà văn TP.HCM công bố các tác phẩm đoạt giải thưởng năm 2017 (ngày 27.12.2017), dư luận bắt đầu 'nóng' vì hai tác phẩm Hội đồng sơ khảo không thông qua lại có tên trong danh sách nhận thưởng.

Một số tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2017 ẢNH: QUỲNH TRÂN
Hai tập thơ vướng “lùm xùm” là Thơ trắng của tác giả La Mai Thi Gia và Nghi lễ của ánh sáng của thi sĩ Lê Tuân. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng thơ sơ khảo cho biết: “Khi đưa ra Hội đồng sơ khảo (HĐSK) thơ thì tác phẩm Thơ trắng không đủ số phiếu quá bán, còn Nghi lễ của ánh sáng thì không hề nhận được một phiếu nào. Cả hai bộc lộ sự hạn chế của tác giả đang tập tễnh bước vào thi ca. Thơ trắng vừa sến vừa sáo ngay cái lời tựa. Còn Nghi lễ của ánh sáng thì ra vẻ đại ngôn ở tên gọi các bài thơ, nhưng chẳng triển khai được ý tứ gì, ngôn từ thì diêm dúa và cũ mòn”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ẢNH: QUỲNH TRÂN

Ở giải thưởng của Hội Nhà văn VN, ngoài việc các Hội đồng có quyền đề cử tác phẩm cho BCH xem xét thì BCH cũng có quyền đề cử thêm những tác phẩm nếu xứng đáng. Đơn cử như tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương của nhà văn Nguyễn Trí dù không có trong danh sách Hội đồng đưa lên nhưng tôi đọc thấy hay quá vẫn đề cử và đưa ra bình xét. Vì vậy mà nhà văn này mới được vinh dự nhận giải thưởng của Hội Nhà văn VN năm 2013

Nhà văn Trần Đức Tiến, nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn VN

“Tôi cảm thấy buồn cười khi Hội Nhà văn đặt ra HĐSK nhưng lại không tôn trọng quyết định của tập thể, cố tình vô hiệu hóa một ban chuyên môn quan trọng là Hội đồng thơ. Nếu lấy lý do sợ bỏ lọt tài năng thì Hội đồng chung khảo (HĐCK) trước khi chấm nên gởi lại cho Hội đồng sơ khảo thẩm định hoặc có văn bản đề nghị phải chấm lại. Đằng này, cả hai tập đều đã bị loại ở HĐSK thì lại được đưa thẳng vào chung khảo để… trao thưởng khiến cho dư luận nghi ngờ là điều hoàn toàn có lý do", nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bức xúc. 
Nhà thơ Trần Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng thơ sơ khảo thông tin thêm: “Giải thưởng thơ năm nay có 18 tác giả tham dự. Sau nhiều lần thảo luận, đề xuất cả hội đồng nhất trí chọn ra 5 tác giả nổi trội để bỏ phiếu: Tôn Nữ Thu Thủy, La Mai Thi Gia, Nguyễn Thanh Long, Trương Nam Chi, Dạ Thy. Kết quả: Tôn Nữ Thu Thủy đạt 4/5 phiếu, Nguyễn Thanh Long 3/5, La Mai Thi Gia 2/5, Trương Nam Chi 1/5, Dạ Thy 1/5. Biên bản do Khánh Chi ghi, tôi kiểm phiếu, nhà thơ Phan Hoàng còn lưu giữ tất cả phiếu bầu để tiện việc kiểm tra về sau. Hội đồng thơ nhất trí chọn 2 tác giả có số phiếu quá bán đưa lên BCH Hội xét duyệt. Như vậy tập Thơ trắng của La Mai Thi Gia, Nghi lễ của ánh sáng của Lê Tuân không nằm trong danh sách đưa lên BCH Hội Nhà văn TP. Vì kết quả của Hội đồng thơ đưa lên không được tôn trọng đúng mực, nên chúng tôi bị một số hội viên gọi là Hội đồng mù”.
Ông Dũng đề nghị: “Lâu nay có nhiều dư luận không hay về việc “chạy” vào Hội, “chạy" giải thưởng làm mất không khí đoàn kết, gây ghi ngờ giữa các thành viên BCH. Thiển nghĩ, cần chấm dứt những dư luận râm ran không tốt, lan truyền gây mất đoàn kết nội bộ, hội viên nào có chứng cớ xác thực, minh bạch nên gửi đơn trực tiếp cho Công an TP.HCM điều tra, để trả lại bầu không khí sinh hoạt lành mạnh ở Hội Nhà văn TP.HCM”.
Nhà thơ Trương Nam Hương, thành viên Hội đồng chung khảo ẢNH: MINH LÊ
Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Phạm Sỹ Sáu ẢNH: T.L
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 5.1, nhà thơ Trương Nam Hương, thành viên HĐCK, nhẹ nhàng: “Thực ra, mọi việc đều xuất phát từ mục đích chung là không được bỏ sót tác phẩm nào hay, đồng thời cũng phải ghi nhận những sáng tạo, đóng góp của các thế hệ nhà văn đi trước nên chúng tôi làm việc hết sức công tâm: có già có trẻ. Đây là tặng thưởng chỉ mang ý nghĩa khuyến khích là chính chứ không có gì to tát. Theo tôi, tác phẩm muốn có chỗ đứng, muốn sống được trong lòng công chúng là do độc giả thẩm định chứ đâu phải qua hội đồng này là nổi tiếng ngay đâu. Còn nếu nói "chạy" giải thưởng hay "gà nhà" bênh nhau lại càng không có, vì sau khi đề cử có cả hội đồng gồm 9 giám khảo là thành viên HĐSK, Chủ tịch Hội đồng thơ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình cùng Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM. Toàn nhà văn nhà thơ có kinh nghiệm thẩm định bỏ phiếu chứ đâu phải chỉ có người đề cử quyết định. Ngay cả Hội Nhà văn VN cũng từng xảy ra trường hợp như Nguyễn Trí, Đỗ Doãn Phương khi tác phẩm được đề cử ngay tại HĐCK vẫn được giải mà không cần qua HĐSK tuyển chọn mà”.
"Vấn đề là phải căn cứ vào đúng quy chế, chứ đâu phải muốn gì là tự làm được”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nói. “Ngoài tác phẩm được HĐSK tuyển chọn đưa lên, chúng tôi còn một kênh nữa là thông qua các thành viên HĐCK đề cử để tìm kiếm thêm các tác phẩm hay. Chứ nếu tất cả chỉ căn cứ vào HĐSK thì quá máy móc, bởi số lượng tác phẩm xuất bản quá lớn đâu phải các HĐSK đều có thể đọc được hết. Chúng tôi xét tặng thưởng trên chất lượng văn bản tác phẩm thực tế chứ không phải từ bình bầu của HĐSK nên việc tặng thưởng vừa qua là hoàn toàn xứng đáng…”, ông Sáu khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.