Có hay không chuyện Google thiên vị Hillary Clinton?

11/06/2016 13:00 GMT+7

Công ty Google, chủ nhân website tìm kiếm hàng đầu thế giới đã phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đã điều chỉnh các kết quả tìm kiếm có lợi cho bà Hillary Clinton.

“Chế độ tự động hoàn chỉnh của Google không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào. Những tuyên bố trái ngược với điều đó chỉ đơn giản do hiểu sai về cách vận hành của chế độ tự động hoàn chỉnh”, The Wall Street Journal ngày 11.6 dẫn một tuyên bố của Google.

Việc Google lên tiếng xuất phát từ một cáo buộc mới đây của SourceFed, một công ty sản xuất tin tức giải trí trên website và Youtube, về việc Google đã điều chỉnh kết quả tìm kiếm theo hướng có lợi cho bà Hillary Clinton, người đang đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Cụ thể, khi người dùng tra cứu trên công cụ tìm kiếm của Google (Google Search), thanh tìm kiếm sẽ tự động hoàn chỉnh lệnh tìm bằng cách đưa ra gợi ý tiếp theo. SourceFed đã đưa ra vài ví dụ về điều đó nhằm chứng minh bà Clinton đang nhận sự ủng hộ từ một trong những công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.

Theo SourceFed, nếu gõ chữ “Hillary Clinton cri”, thay vì hiện lên “Hillary Clinton criminal” (tội ác của Hillary Clinton), thì các kết quả đề xuất trên thanh tìm kiếm là “Hillary Clinton crime reform” hoặc đại loại như vậy, nghĩa là chỉ cho ra phương án tìm hiểu về cải cách tội phạm, khủng hoảng, dự luật tội phạm năm 1994...

Theo đoạn video do SourceFed đăng trên Youtube hôm 9.6, cả 3 đề xuất nêu trên xuất hiện một cách vô lý, vì đáng ra dòng “Hillary Clinton criminal” mới là kết quả được tìm kiếm nhiều nhất, nên bộ lọc phải đưa kết quả ấy lên làm đề xuất thì mới hợp lý. Tương tự, cụm từ “Hillary Clinton ind” đáng ra phải là “Hillary Clinton indictment” (cáo trạng Hillary Clinton) vì đây là kết quả được tìm nhiều nhất liên quan tới các cáo buộc dùng email sai quy cách của cựu ngoại trưởng Mỹ, chứ không phải Hillary Clinton và Ấn Độ (India) hoặc bang Indiana.

Những kết quả tìm kiếm bị cho là thiên vị bà Clinton trên Google Ảnh chụp màn hình

Mặc dù vậy trong lần thanh minh vừa qua, Google khẳng định lý do trên nằm ở việc phần mềm tự động hoàn chỉnh của họ sẽ loại bỏ các truy vấn liên quan đến sự xúc phạm và làm mất uy tín của một cá nhân. Trong đó, The Wall Street Journal dẫn lời một nhân vật biết rõ về phần mềm Google nói rằng chữ “tội phạm” nằm trong danh sách công kích cá nhân nên không được đề xuất.

Khá nhiều ý kiến và lập luận đã ủng hộ Google vài ngày nay. Matt Cutts, chuyên gia về tìm kiếm của Google nói rằng cáo buộc của SourceFed hoàn toàn sai, vì họ không hiểu cách làm của Google.

Khác với các công cụ tìm kiếm như Yahoo! hay Bing, bộ lọc của Google ngoài những nguyên tắc của riêng mình, cũng dựa trên thói quen tìm kiếm của người dùng thay vì căn cứ vào kết quả phổ biến nhất. Ông Matt Cutts tiết lộ rằng người dùng thường gõ chữ “Hillary” rồi sẽ đến “tội phạm” (chứ không phải gõ Hillary Clinton tội phạm). Thế nên muốn tìm hiểu như SourceFed, cứ gõ cụm “Hillary cri” sẽ ra ngay các kết quả về tội phạm và vụ lùm xùm email của bà.

Thêm vào đó, nếu nói Google thiên vị bà Clinton thì cũng không hoàn toàn chính xác, vì điều tích cực cũng diễn ra với những lệnh tìm kiếm đối với Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống bên đảng Cộng hòa.

Nếu người dùng thử cụm từ “Donald Trump h”, kết quả tìm kiếm sẽ đề xuất thêm chữ “chiều cao” (height), “nhà” (house), “tay” (hands), “ở nhà một mình” (home alone). Để công kích ông Trump, rõ ràng cụm từ “Donald Trump high school” mới là cụm từ đáng xuất hiện vì nó được tìm kiếm nhiều nhất, liên quan tới vụ một trường đại học của ông này bị tố lừa đảo.

Ngay cả chữ "hair" (tóc) cũng không xuất hiện, dù bộ tóc của ông Trump là đề tài bị nhiều người dùng soi mói Ảnh chụp màn hình
Dẫu sao, các cáo buộc về Google cũng một lần nữa cho thấy “quyền lực” chi phối chính trường của các công ty lớn và công ty công nghệ nói chung ở Mỹ là điều đã được nhìn nhận.
Trong cuộc chiến thông tin này, rõ ràng Google hay Facebook có tác động rất lớn tới những lá phiếu của người dân chứ không chỉ là báo chí và truyền hình như truyền thống. Trước đây, Facebook cũng bị ảnh hưởng từ cáo buộc họ cố gắng lọc thông tin để điều khiển dư luận, nhưng công ty này đã bác bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.