Ngày 17.5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết thi hành luật Giám định tư pháp và đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Hội nghị được tổ chức tại Bộ Tư pháp, với sự tham gia của đại diện Ban Nội chính T.Ư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế…; đồng thời, kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhận định về cơ bản, giám định tư pháp thời gian qua đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, lĩnh vực này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế liên quan đến việc tiếp nhận, trưng cầu, xây dựng đội ngũ làm công tác giám định. Cạnh đó, công tác phối hợp có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ; một số quy định còn chưa phù hợp thực tiễn, chưa đồng bộ với quy định khác có liên quan.
Trước thực tế này, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang đặt ra yêu cầu cấp bách là tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp một cách tổng thể, đồng bộ.
Né tránh, đùn đẩy vì sợ trách nhiệm
Tham luận của Bộ Công an cho thấy, trong tố tụng, kết luận giám định là một nguồn chứng cứ, có vị trí, vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều trường hợp, kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để chứng minh tội phạm, xác định nguyên nhân vụ việc.
Tuy nhiên, theo đại tá Lê Xuân Cường, Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), ở nhiều vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng phức tạp, cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, lĩnh vực chuyên môn cần giám định. Điều này dẫn đến trưng cầu giám định chưa đúng lĩnh vực, phạm vi chuyên môn của tổ chức, cá nhân giám định.
Một số tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc khả năng chuyên môn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cũng như chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.
Tại địa phương, có những lĩnh vực giám định chưa đủ điều kiện để giám định hoặc từ chối giám định, khiến cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu ở cấp T.Ư, làm mất thời gian, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình vận chuyển tang chứng, vật chứng.
Đặc biệt, một số cơ quan được trưng cầu còn chậm trễ trong việc phân công giám định viên hoặc phân công không đúng chuyên môn hoặc có biểu hiện đùn đẩy, thậm chí từ chối thực hiện giám định không đúng quy định của pháp luật. Việc này xuất phát từ tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm pháp lý cao, thiếu sự phối hợp, dẫn đến giám định kéo dài.
Tình trạng trên cũng xuất hiện ở giám định viên, bằng việc né tránh, e ngại, không muốn giám định vì trách nhiệm pháp lý cao; có người tìm lý do từ chối giám định hoặc đưa ra các lý do để cơ quan điều tra phải đề nghị đổi giám định viên…
Khó khăn khi giám định xác định thiệt hại
Cùng đề cập tới những hạn chế trong công tác giám định tư pháp, đại diện Viện KSND tối cao chỉ ra các nút thắt khi giám định xác định thiệt hại trong giải quyết án hình sự.
Đơn cử như các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ quan giám định tài chính, kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước rồi mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán. Thế nhưng, các công trình xây dựng cơ bản thi công trong nhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Nếu chưa quyết toán công trình thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt nhưng vẫn chỉ là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán, do đó công tác giám định không thực hiện được.
Hay như các vụ án hình sự về loại tội xâm phạm sở hữu hoặc chiếm đoạt tài sản mà đối tượng bị chiếm đoạt là vàng, bạc, đá quý, nhưng trong quá trình điều tra không thu giữ được tang vật. Khi tiến hành trưng cầu giám định, tổ chức giám định sẽ từ chối giám định vì không có đối tượng để giám định, dẫn đến hội đồng định giá không thể định giá được tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu, vì nguyên tắc phải xác định được tuổi vàng, bạc hoặc loại đá quý, trọng lượng là bao nhiêu thì mới định giá được giá trị tài sản.
Hệ quả là các vụ án trên không đủ căn cứ để giải quyết, vì yếu tố cấu thành định tội hoặc định khung là bắt buộc phải có định lượng. Nhưng nếu cứ tiến hành định giá tài sản mà không căn cứ vào kết luận giám định sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Một vấn đề nữa, đó là hiện nay chưa có hướng dẫn về việc xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gây ra nên còn có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, thời điểm xác định thiệt hại là thời điểm khởi tố vụ án; quan điểm khác lại cho rằng thời điểm này phải được xác định là thời điểm tội phạm hoàn thành. Do có những quan điểm khác nhau như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Cần có sự phân cấp giữa T.Ư và địa phương
Để giải quyết bất cập đã nêu, Bộ Công an cho rằng, cần sửa đổi luật Giám định tư pháp để phù hợp với thực tiễn; thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ tốt với đội ngũ giám định viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Viện KSND tối cao thì đề xuất bổ sung quy định mang tính phân cấp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định giữa T.Ư và địa phương, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh.
Cùng đó là quy định cụ thể các trường hợp được từ chối giám định tư pháp; quy định về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp có vi phạm về thời hạn, từ chối giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng...
Bình luận (0)