Cơ hội cho các bên

10/03/2018 14:00 GMT+7

Ngày 9.3, Nikkei đưa tin Nhật Bản và Thái Lan chuẩn bị ký kết thỏa thuận tăng hạn mức hoán đổi tiền tệ trực tiếp trong giao thương hai nước.

Thanh toán trực tiếp bằng yen và baht giúp doanh nghiệp hai bên không phải qua trung gian USD nên tiết kiệm chi phí chuyển đổi tiền tệ, đồng thời giảm cả lệ thuộc vào USD, vốn thường gây ra thách thức mỗi khi Mỹ có biến động về lãi suất cho vay.
Lâu nay, hai bên đã có thỏa thuận này. Tuy nhiên, Thái Lan có quy định người nước ngoài không giữ quá 300 triệu baht nhằm hạn chế đầu cơ lũng đoạn. Chính vì thế, khi quan hệ thương mại Nhật - Thái tăng lên thì hai bên cần tạo ra thỏa thuận mới để đáp ứng nhu cầu.
Thực tế, xu thế hoán đổi tiền tệ trực tiếp trong thương mại song phương đang ngày càng phổ biến. Với khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 5.2017, Nhật Bản đề xuất thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các nước ASEAN có thể cung cấp hơn 4.000 tỉ yen (khoảng 35 tỉ USD) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính dẫn đến thiếu hụt tiền mặt ngắn hạn.
Đây có thể xem là nền tảng sẵn có để các nước trong khối có thể xúc tiến những thỏa thuận hoán đổi trực tiếp tiền tệ trong giao thương với các đối tác khác. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.