Cơ hội cho năng lượng sạch

18/04/2017 06:36 GMT+7

Việc Thủ tướng Chính phủ "chốt" giá mua điện mặt trời 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh, chưa bao gồm thuế GTGT) có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Với ngành điện, sẽ có thêm một nguồn điện sạch, bổ sung cho sản lượng điện luôn thiếu hụt hiện nay. Trước đó, VN luôn được đánh giá là có lợi thế lớn để phát triển điện mặt trời vì nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Có cơ chế giá nên chắc chắn trong thời gian tới, nhiều dự án điện mặt trời sẽ được thực hiện và vận hành.
Với nền kinh tế, về lâu dài giá điện sẽ cạnh tranh hơn, giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Có một thực tế là hàng chục năm qua, giá điện luôn trong xu hướng tăng. Giá điện tăng là do nhu cầu tiêu thụ điện hằng năm của nền kinh tế tăng. Hiện mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện tăng khoảng 11 - 12% nên việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi.
Nhưng điện là chi phí đầu vào thiết yếu của sản xuất nên việc thiếu điện, tăng giá ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tất nhiên đầu tư điện mặt trời ban đầu chưa thể giúp giá điện rẻ ngay được, nhưng về lâu dài thì điều này là chắc chắn.
Cuối năm ngoái, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố giá điện mặt trời và điện gió đã tương đương hoặc thấp hơn giá điện làm từ nhiên liệu hóa thạch (điện than) ở hơn 30 nước trên toàn cầu. Chưa hết, theo Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới đã và đang chứng kiến những cú sốc về giá điện mặt trời từ các chương trình đấu thầu cạnh tranh. Những hợp đồng thắng thầu được trao cho các công ty có mức bỏ thầu thấp tại Ấn Độ, Mexico, Peru... chỉ từ 3 US cent/kWh đến 7 US cent/kWh, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá điện lưới tại chính các nước này.
Ở Mỹ, Bộ Năng lượng nước này cho biết chi phí lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời đã giảm hơn 50% kể từ khi chương trình hỗ trợ liên bang bắt đầu. VN cũng không ngoại lệ, một số nhà đầu tư trong lĩnh vực này khẳng định suất đầu tư vào điện mặt trời hiện nay cũng đã giảm so với trước đây. Với giá điện mặt trời mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, đầu tư điện mặt trời đã có lãi.
Quan trọng hơn, mở cơ chế để phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung sẽ góp phần giảm bớt tình trạng ô nhiễm thông qua việc giảm dần các dự án nhiệt điện than (cả một số dự án thủy điện), vốn được coi là hiểm họa môi trường.
Thực tế đã chứng minh, khi có đủ cơ chế ưu đãi về giá, vốn vay, thuế, đất đai, cơ chế đấu thầu, cải cách thị trường điện theo hướng cạnh tranh... điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung ở nhiều nước phát triển rất mạnh, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu nguồn điện. Với những lợi thế về nắng, gió... tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của VN đã và đang là tiềm năng rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.