Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng
Theo lộ trình, thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) với mức 15% sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2024. Nếu doanh nghiệp (DN) nào đang được ưu đãi, đóng mức thuế thấp hơn 15% ở quốc gia mà họ đầu tư, sẽ phải nộp phần còn lại về cho quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Quy định với các DN có doanh thu hợp nhất trên toàn cầu dưới 750 triệu euro sẽ không phải là đối tượng của sắc thuế này.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng hiện ưu đãi thuế của VN cho hoạt động đầu tư phổ biến là ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng. Cụ thể là miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Ngoài ra, một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài phần trăm.
Thế nên, về mặt tích cực, thuế suất thuế TTTC được áp dụng sẽ giúp tăng thu ngân sách và hạn chế trốn thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách "đưa nhau xuống đáy". Song có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước mà họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế DN được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể.
Trong năm 2022, rà soát của Tổng cục Thuế cho thấy có khoảng hơn 1.000 DN FDI bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế TTTC này.
"Khách quan mà nói, chính sách thuế này sẽ tác động trước hết đến các nhà đầu tư FDI lớn. Các DN đã và đang hưởng ưu đãi thuế, có thể bị tác động bởi thuế TTTC này mà "chùn tay" trước kế hoạch đầu tư mở rộng. Tuy thuế không áp dụng đối với công ty có doanh thu dưới 750 triệu euro, nhưng nếu những DN nhỏ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, cung ứng của tập đoàn đa quốc gia, thì có thể bị ảnh hưởng liên đới bởi quy định thuế tối thiểu này", ông Phan Đức Hiếu phân tích, đồng thời cảnh báo khi môi trường đầu tư bị ảnh hưởng bởi chính sách mới, nếu nhà đầu tư vào VN thấy bất lợi vì chúng ta chưa sẵn sàng cho việc triển khai các chính sách áp thuế TTTC thì họ có thể chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác, những nơi đã có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy tắc thuế mới này. Như vậy, nỗ lực thu hút vốn FDI sẽ bị tác động đáng kể.
Đặc biệt, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thu hút thêm dòng vốn ngoại, VN cần cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và nhất quán hơn nữa. Ông nói: "Đây là những lợi thế mang lại gấp hơn nhiều lần chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải trải qua".
Sẽ có làn sóng FDI mới vào VN
Một số chuyên gia tại hội thảo mới đây về chủ đề thuế TTTC cũng nhấn mạnh VN cần có giải pháp ứng phó với các tác động mà thuế TTTC mang lại. Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng các đối tác có nhà đầu tư FDI lớn tại VN như Hàn Quốc và Nhật Bản đã sẵn sàng để triển khai sắc thuế này. Cụ thể, Hàn Quốc áp dụng thuế TTTC từ năm 2023; Nhật Bản có thể áp dụng vào đầu năm 2024; các quốc gia khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đến nay cũng đã có những "động thái thay đổi chính sách thuế, các giải pháp duy trì ưu đãi" đối với các dự án đang hoạt động nhằm giữ chân dòng vốn FDI.
Trong thực tế, chính sách thu hút vốn FDI thế hệ mới của VN đã không đặt nặng vấn đề thu hút vốn ngoại "cậy nhờ" vào thuế ưu đãi nữa. TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nêu quan điểm: Nên nhìn về thuế TTTC bằng cái nhìn tích cực hơn khi chúng ta nhất quán quan điểm thu hút FDI bằng thuế không quan trọng, mà phải thu hút bằng môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách hành chính hơn nữa, nhân lực chất lượng cao… Ngoài ra, VN nay cũng không còn thu hút FDI bằng bất cứ giá nào, chúng ta chú trọng dự án đầu tư công nghệ cao, không ảnh hưởng môi trường...
"Các tiêu chí về loại hình đầu tư công nghệ, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh... cần được xem xét lại. Ví dụ, Samsung đến VN chủ yếu lắp ráp xuất khẩu, vậy có được coi là DN công nghệ không, khi DN này đang hưởng ưu đãi đầu tư của một DN công nghệ. Trong khi đó, một DN nội địa có quy mô nhỏ hơn nhiều, cũng làm phần mềm nhưng không nhận được ưu đãi. Tôi nghĩ muốn giúp nền kinh tế tự chủ, trước hết phải có môi trường đầu tư công bằng giữa DN trong và ngoài nước, và các tiêu chí đầu tư để nhận được ưu đãi cũng nên rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn", TS Phùng Đức Tùng bổ sung.
Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập DN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020, mức thuế suất trung bình thuế thu nhập DN thực nộp giảm 9%. Vì lý do đó, ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế thu nhập DN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, cho rằng VN là một trong những quốc gia quá coi trọng ưu đãi thuế trong thu hút vốn ngoại. Ưu đãi thuế là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng quan trọng nhất. "Hãy coi thuế TTTC là thách thức mới, nhưng cũng là cơ hội cực kỳ lớn", ông Mại nói. Chẳng hạn, một trong những điểm yếu mà chúng ta chưa xử lý được lâu nay là vấn đề chuyển giá trốn thuế, chính sách thuế TTTC sẽ giúp dẹp đi vấn nạn này. Thống kê của OECD cho biết khoảng 220 tỉ USD tiền thuế sẽ trở về những nước nhận đầu tư. Có lúc VN đứng thứ 18 trên thế giới về nhận đầu tư, thế nên, ông Mại tin năm nay thứ bậc của chúng ta sẽ cao hơn vì rất nhiều dự án lớn về năng lượng tái tạo, công nghệ số, khí... của Mỹ, châu Âu đầu tư vào VN.
Theo vị này, nếu có cơ chế thuế TTTC, chúng ta yên tâm là không mất đi những cái mà chúng ta trước đây không nhận được. Cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ VN mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân với hơn 1/4 thuộc tầng lớp trung lưu, thì rõ ràng chính sách thuế TTTC lại là một cơ hội lớn.
Từ đó, chuyên gia này tỏ ra khá lạc quan với nguồn vốn nước ngoài trong tương lai. VN đang có nhiều dự án năng lượng tái tạo, dự án tăng trưởng xanh, các dự án công nghệ tương lai như AI, Big data đang trong quá trình đàm phán. TP.HCM có thể có dự án tới 4 tỉ USD từ Intel (đã đầu tư và dự kiến mở rộng) chẳng hạn.
"Tôi tin sẽ có một làn sóng FDI mới vào VN", GS-TS Nguyễn Mại khẳng định. Dù vậy, ông cũng bày tỏ lo lắng rằng việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn chưa có kết quả như mong đợi; thủ tục hành chính còn nhiều tầng nấc, tham nhũng vặt, công chức sách nhiễu. "Chúng ta tiếp cận nhà đầu tư bằng những hội thảo mất thời gian, tốn tiền ngân sách nhưng không mang lại lợi ích nếu chúng ta không cải cách cơ bản từ xúc tiến đầu tư đến các thủ tục xin giấy phép", ông Mại nhấn mạnh.
Bình luận (0)