TP.HCM sẽ ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư

Nguyên Nga
Nguyên Nga
23/02/2023 06:37 GMT+7

Thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà; nhiều quy định không cần thiết, hạ tầng giao thông quá tải... là những vấn đề được phản ánh tại tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố và lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài do UBND TP.HCM tổ chức sáng 22.2.

Chậm cấp phép, Sở nêu do Bộ

Là nhà đầu tư lớn nhất tại TP.HCM và cả nước, thế nhưng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore phản ánh doanh nghiệp nước này vẫn mất quá nhiều thời gian vì thủ tục xin cấp phép kinh doanh và mỗi nơi áp dụng một kiểu. Cụ thể, xin giấy phép kinh doanh dịch vụ cho thuê trang thiết bị gửi lên Sở Công thương TP.HCM nhưng đây là loại hình kinh doanh cần có ý kiến của cấp trên, Sở gửi ra Bộ Công thương hỏi ý kiến. "Thời gian nhà đầu tư chờ đợi để được cấp giấy phép phải sau 9 tháng, thậm chí 1 năm", vị này nói. Ngay với các dự án đã đầu tư rồi xin giấy phép thay đổi hạng mục kinh doanh, tăng vốn thì doanh nghiệp vẫn phải làm việc với nhiều cơ quan ban ngành để cập nhật từng thông tin mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, công ty đã xin cấp phép đầu tư từ 10 năm trước, nay cập nhật thay đổi, lại phải làm nguyên bộ hồ sơ như hồ sơ của 10 năm trước.

TP.HCM sẽ ưu tiên  cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại diện nhà đầu tư nước ngoài tại tọa đàm

XUÂN KHU

Phản hồi ý kiến của nhà đầu tư, đại diện Sở Công thương cho biết thời gian cấp giấy phép tại sở tối đa là 10 ngày, thời gian chờ hỏi ý kiến Bộ Công thương theo quy định thêm 15 ngày. Như vậy, dự án nếu được đồng ý thì chỉ mất 25 ngày để cấp phép. Sự chậm trễ như phía doanh nghiệp phản ánh, theo Sở Công thương, là từ các bộ phận tham mưu ý kiến trên Bộ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), ông Alain Cany cho hay đã sống và làm việc tại VN 22 năm, có 8 lần gia hạn visa. Gần đây, với kinh nghiệm chuyên môn hơn 20 năm làm tổng giám đốc cho ngân hàng nước ngoài và công ty đa quốc gia tại VN của mình, một số doanh nghiệp muốn mời ông làm cố vấn cho công ty của họ. "Thế nhưng nhân viên cấp giấy phép lao động cho tôi tại Sở LĐ-TB-XH lại cho rằng tôi không có chuyên môn để làm… cố vấn. Tôi nói thẳng là nếu tôi không được cấp giấy phép làm cố vấn thì không có mấy chuyên gia nước ngoài có bề dày làm việc tại VN được cấp giấy phép này", ông nói.

Các hội viên của chúng tôi coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Tuy nhiên, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại VN (AmCham), cũng đề nghị TP cần nâng cao cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công hiệu quả hơn. Điều này giúp tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, quá trình phê duyệt nhanh chóng, tin cậy và nhất quán. VN nói chung và TP.HCM nói riêng cần phải có chính sách thuế tương thích với các chính sách thuế toàn cầu, nên áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua. Cải tạo môi trường đầu tư, song song phải cải thiện chất lượng môi trường sống, không khí và đặc biệt kiểm soát vấn đề tiếng ồn.

Tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét nghị quyết về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP. Nếu được Quốc hội thông qua thì chúng tôi sẽ đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả hệ thống metro.


Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đại diện AmCham nhấn mạnh TP cần có giải pháp đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Hạ tầng giao thông vận tải là một hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch. Ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống. "Các hội viên của chúng tôi coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Tuy nhiên, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. Từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía bắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía nam, các khu công nghiệp cần phải tiếp cận dễ dàng, thông qua các đường cao tốc không ùn tắc, đến Sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển trung tâm logistics Cái Mép. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt sự ùn tắc của TP.HCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam", vị này nói.

Làm rõtrách nhiệm công vụ của từng  công chức

Thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đã phục hồi sau đại dịch và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, trong đó làm rõ trách nhiệm hành chính của các cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng công chức. Trong chủ đề năm 2023, TP tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính hiệu quả hơn, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Đặc biệt, TP sẽ có quy định rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian thực hiện và sẽ công bố các nội dung này đến cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước để cộng đồng doanh nghiệp biết và giám sát thực hiện.

Trả lời một số thắc mắc của nhà đầu tư về lĩnh vực thu hút đầu tư ưu tiên, chuyển đổi công năng các dự án khu công nghệ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: "Dự kiến đến tháng 6 năm nay, TP sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc các khu công nghiệp - khu chế xuất: Tân Thuận, Cát Lái, Tân Bình và Hiệp Phước. Ngoài ra, TP cũng đang tập trung làm hạ tầng các dự án kết nối các tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… sẽ tập trung khởi công từ nay đến 2025, dự kiến hoàn thành trước 2030".

Liên quan đến giao thông, theo Chủ tịch TP.HCM, trong dài hạn thì kinh phí dành cho giao thông chiếm 50% trong tổng kinh phí ngân sách đầu tư, nhưng ngắn hạn như năm nay chiếm đến 70%. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang đề xuất một số cơ chế đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để có thể thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách. "Tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét nghị quyết về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP. Nếu được Quốc hội thông qua thì chúng tôi sẽ đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm hơn, kể cả hệ thống metro", ông Phan Văn Mãi nói.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang xin Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối tháng 5 tới. Trong đó có các cơ chế chính sách đột phá dành cho TP liên quan đến đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, các ngành, lĩnh vực, thu hút các nhà đầu tư, phát triển KH-CN đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cơ chế phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động hơn trong giải quyết các thủ tục để làm sao khơi được hết các tiềm năng, nguồn lực. "TP.HCM xác định nguồn lực ngoài ngân sách từ các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.