Cơ hội để học sinh Việt Nam, Campuchia, Lào giao lưu Pháp ngữ

Lan Chi
Lan Chi
23/05/2024 06:35 GMT+7

Học sinh lớp 11 đang theo học chương trình song ngữ tiếng Pháp ở các nước Việt Nam, Campuchia và Lào sẽ cùng nhau tham gia dự án kết nối sinh thái có chủ đề 'Tái tạo thế giới với tiếng Pháp'.

Đây là một phần trong chuỗi các sự kiện được tổ chức ở khắp thế giới để hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh cộng đồng Pháp ngữ sẽ được tổ chức vào tháng 10.2024 ở thành phố Villers - Cotterêts, miền bắc Pháp. 

Các bạn học sinh Việt Nam sẽ có dịp thực hành tiếng Pháp với bạn bè đồng trang lứa của Campuchia và Lào

Các bạn học sinh Việt Nam sẽ có dịp thực hành tiếng Pháp với bạn bè đồng trang lứa của Campuchia và Lào

LAN CHI

Hành trình từ 28.5 đến 5.7 ở 3 nước Lào, Việt Nam, Campuchia

Các học sinh tham gia dự án sẽ có dịp thực hành tiếng Pháp trong những ngày cùng nhau giao lưu, thảo luận và trải nghiệm các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học, phát triển bền vững, tìm hiểu về biến đổi khí hậu, như tham quan trụ sở Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ở Viêng Chăn, học làm các sản phẩm từ lá chuối, tham quan trang trại hữu cơ, tìm hiểu bức bích họa thực hiện từ rác thải…

Hành trình thú vị nói trên được chia thành 3 chặng: Lào (Viêng Chăn, từ 28 đến 31.5), Việt Nam (TP.HCM, 9-12.6), Campuchia (Phnom Penh, 2-5.7). Toàn bộ kinh phí do Bộ Ngoại giao Pháp, Viện Pháp, Cơ quan Đại học Pháp ngữ, Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế và Viện Pháp tại 3 quốc gia có liên quan đồng tài trợ. Học sinh tham gia dự án đến từ các trường có giảng dạy chuyên sâu về tiếng Pháp, phía Việt Nam là 3 trường THPT ở TP.HCM có chương trình song ngữ Pháp - Việt gồm Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai, chuyên Lê Hồng Phong. Mỗi trường có 3 học sinh lớp 11 đại diện. 

9 học sinh từ 3 trường THPT tại TP.HCM là Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai và chuyên Lê Hồng Phong sẽ đại diện Việt Nam tham gia dự án kết nối sinh thái

9 học sinh từ 3 trường THPT tại TP.HCM là Marie Curie, Nguyễn Thị Minh Khai và chuyên Lê Hồng Phong sẽ đại diện Việt Nam tham gia dự án kết nối sinh thái

LAN CHI

Viện Pháp tại TP.HCM đã chọn những học sinh này sau khi phỏng vấn và đánh giá dựa trên các tiêu chí như trình độ tiếng Pháp, động lực tham gia chương trình, mối quan tâm đối với các chủ đề về sinh thái, biến đổi khí hậu… Đồng hành xuyên suốt với dự án là 9 giáo viên tiếng Pháp đến từ các trường của Việt Nam, Campuchia và Lào có học sinh tham dự. Dù ở "sân nhà" hay sang nước bạn, mọi thành viên của đoàn đều ở khách sạn để thuận tiện giao lưu và tham gia các hoạt động.

Những cuộc gặp gỡ  là phương thức học ngoại ngữ hiệu quả bậc nhất

Trả lời Thanh Niên, bà Anne-Laure Vincent, Tùy viên chuyên trách Hợp tác tiếng Pháp của Viện Pháp tại TP.HCM, cho biết: "Các bạn học sinh rất hào hứng khi được giao lưu quốc tế, gặp gỡ bạn bè đồng trang lứa ở các nước láng giềng. Những cuộc gặp gỡ chính là phương thức học ngoại ngữ hiệu quả bậc nhất. Các bạn trẻ sẽ có được những kỷ niệm đẹp của thời học sinh, nhờ vậy có thể thêm hứng khởi để sang Pháp du học bậc đại học và trở thành những bằng hữu, đối tác của nước Pháp về sau tại Việt Nam. Bên cạnh đó, qua dự án này, chúng tôi muốn giới thiệu một hình ảnh mới mẻ của tiếng Pháp, một ngôn ngữ hướng về đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển".

Bà Anne-Laure Vincent giới thiệu lịch trình tại 3 nước với phụ huynh và học sinh tham gia chương trình

Bà Anne-Laure Vincent giới thiệu lịch trình tại 3 nước với phụ huynh và học sinh tham gia chương trình

LAN CHI

Bà Vincent và các tùy viên chuyên trách Hợp tác tiếng Pháp của Viện Pháp tại hai nước Lào và Campuchia đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho dự án, đề xuất những tổ chức, những đơn vị nổi bật ở các lĩnh vực sinh thái, môi trường và phát triển bền vững. Mỗi tùy viên chuẩn bị phần của quốc gia mình, sau đó họp lại để lựa chọn chương trình chính thức. Theo bà Vincent, sau hành trình "Tái tạo thế giới với tiếng Pháp", Viện Pháp mong muốn sẽ tiếp tục có những nguồn tài trợ để thực hiện dự án tương tự vào các năm sau.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.