Cơ hội mua hàng hiệu giá tốt từ Anh

16/12/2020 06:18 GMT+7

Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm tới với 99% dòng thuế nhập khẩu hàng từ Anh vào Việt Nam về 0.

Đây là cơ hội lớn để người Việt mua được tân dược và máy móc từ Anh miễn thuế.

Xe hơi, máy móc, hàng thời trang... sẽ rẻ hơn

Ông N.V.Thắng, chủ một đại lý làm thủ tục hải quan tại một số cảng khu vực TP.HCM, cho biết một số thiết bị trong máy chụp tia X với thuế suất nhập khẩu từ 5 - 12% sẽ về 0%. Như vậy, chi tiêu cho mua máy móc thiết bị y tế từ Anh sẽ giảm đáng kể. Chẳng hạn, chỉ riêng chiếc ốc vít để lắp ráp trong máy chụp tia X, khung thuế suất chung cho các loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia mà Việt Nam không có tham gia các hiệp định thương mại có ưu đãi thuế trước khi có UKVFTA, được áp dụng chính sách đối xử tối huệ quốc (MFN - Most Favoured Nation), khoảng từ 5%, 10%, 12%. Sau ngày 1.1.2021, những ốc vít được nhập về từ Anh sẽ miễn thuế nhập khẩu. “Nếu nói rằng chỉ có mấy phần trăm không đáng kể, nhưng nhiều bộ phận, nhiều chi tiết, mỗi thứ giảm được 5 - 10% thuế, gộp lại dự án đầu tư máy móc 20 tỉ đồng, giảm 10% thuế là được 2 tỉ đồng cũng quá tốt”, ông Thắng nói.

Thời gian tới, máy móc thiết bị nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng, với thuế suất nhập khẩu còn 0% từ EU và Anh, người Việt thêm cơ hội lựa chọn về chất lượng và so sánh giá cả là điều rất tốt

Một thành viên Hiệp hội Cơ khí TP.HC

Đặc biệt khi nói đến Anh, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến những chiếc xe hơi Rolls-Royce sang trọng. Hiện nay, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc vào Việt Nam là 70%. Hiện lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng ô tô từ Anh về Việt Nam vẫn chưa được nêu rõ trong ký kết, nên theo một số nhà nhập khẩu, lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe từ Anh có thể tương đương lộ trình giảm thuế của xe nhập từ EU theo Hiệp định thương mại tự do
EU -Việt Nam (EVFTA). Theo đó, giả sử nhập một chiếc Rolls-Royce Wraith mua từ Anh có giá 266.200 bảng (khoảng 8,3 tỉ đồng), thuế nhập khẩu là 70% (5,8 tỉ đồng) + thuế tiêu thụ đặc biệt 150% (khoảng 21,165 tỉ đồng) + thuế giá trị gia tăng 10% (3,527 tỉ đồng), tổng các loại thuế người mua phải trả khoảng 30,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu về 0% thì thuế tiêu thụ đặc biệt cho chiếc xe trên chỉ còn 12,450 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng còn 2,075 tỉ đồng. Theo đó, tổng thuế giảm hơn 50%, gần 16 tỉ đồng so với trước. Một nhà chuyên nhập khẩu ô tô từ châu Âu tại TP.HCM nhận định, khi xe sang giảm được 10 - 15 tỉ đồng tiền thuế là một con số hấp dẫn không nhỏ cho người tiêu dùng. “Trong vòng 5 năm tới, thị trường xe sang từ châu Âu nói chung và Anh nói riêng, chắc chắn sẽ khác hiện nay rất nhiều. Cơ hội mua xe tốt, đẹp cho người tiêu dùng trong nước sẽ nhiều hơn”, vị này chia sẻ.
Tương tự, với nhiều sản phẩm thời trang, một số thương hiệu cao cấp và trung cao cấp từ Anh như Burberry, Alexander McQueen hay Karen Millen, Coast, Missguided, Warehouse… hiện đang chịu thuế nhập khẩu là 30%. Ví dụ một chiếc đầm Coast có giá niêm yết chính thức trên trang web của nhà sản xuất tại Anh là 50 bảng (tương đương gần 1,6 triệu đồng), khi nhập về Việt Nam sẽ chịu thuế nhập khẩu là 480.000 đồng. Như vậy trong trường hợp các yếu tố khác không thay đổi thì giá một chiếc đầm Coast về Việt Nam từ năm sau trở đi sẽ giảm được khoảng gần 500.000 đồng so với hiện nay. Theo một số nhà kinh doanh hàng thời trang nhập khẩu, nếu thuế nhập khẩu từ Anh về còn 0% thì nhiều sản phẩm tại Việt Nam sẽ có giá tốt hơn, người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua hàng hiệu ngay trong nước thay vì phải sang Singapore, Hồng Kông như trước đây…

Đa dạng hóa thị trường

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính hết tháng 10.2020, Việt Nam chi gần 562 triệu USD để mua hàng từ Anh, giảm gần 140 triệu USD (tương đương gần 20%) so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ nguồn cung này chiếm 30,6%, tương đương 172 triệu USD (giảm gần 30 triệu USD). Nhóm hàng chiếm kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 từ thị trường này là dược phẩm với 71,73 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2019 và nhóm hàng thứ 3 là hóa chất với 43 triệu USD (tăng 5%). Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu từ Anh còn có các mặt hàng thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ sắt thép, cao su; nguyên phụ liệu dược phẩm.
Theo Tổng cục Hải quan, nguồn nguyên liệu mà nước ta nhập từ thị trường Anh khá đa dạng, song số lượng vẫn còn hạn chế, tổng kim ngạch hằng năm còn thấp. Ngoài một số nhóm hàng được nước ta nhập nhiều như máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; dược phẩm; sản phẩm hóa chất thì Việt Nam còn nhập khẩu các mặt hàng khác như: thủy sản; ô tô nguyên chiếc các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; sản phẩm từ chất dẻo; thuốc trừ sâu và nguyên liệu vải các loại...
Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global, nhận định UKVFTA mang tính lợi ích chiến lược nhiều hơn. Bởi Anh đã ra khỏi EU, do đó UKVFTA giúp phía Anh cân bằng khả năng cạnh tranh về hàng hóa với hàng từ EU khi cả hai đều xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Lợi ích của người tiêu dùng có thể sẽ mua được hàng thời trang giá rẻ hơn trước. Lý do thuế suất nhập khẩu các mặt hàng này từ Anh hiện áp dụng thuế suất ưu đãi MFN với dao động 20 - 30%, sau khi UKVFTA đi vào thực tiễn, thuế suất sẽ giảm về 0% là con số không hề nhỏ. “Chẳng hạn đôi giày John Lobb nhập từ Anh về, giá thị trường khoảng 2.000 USD, thì giảm thuế nhập khẩu 30%, tạm tính còn 1.540 USD. Hấp dẫn quá đi chứ”, ông An dẫn chứng.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, phân tích: Về nguyên tắc, khi thuế nhập khẩu giảm thì sản phẩm sẽ giảm giá tương ứng nên có khả năng tăng về số lượng. Một số hàng hóa như rượu, phụ phẩm từ sữa, xe hơi... có xuất xứ của Anh thuộc phân khúc cao cấp sẽ gia tăng vào Việt Nam nhiều hơn. Nhưng các sản phẩm này chỉ có số lượng ít nên sẽ không làm thay đổi đáng kể trên thị trường. Tương tự, đối với nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày mà Việt Nam mua từ Anh cũng không chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị nhập khẩu hằng năm. Chỉ có một số sản phẩm tinh xảo như một loại chỉ đặc biệt để may giày thủ công chỉ có một số hợp tác xã nhỏ ở Anh sản xuất hay một số nút điêu khắc đặc biệt để dành cho hàng dệt may, da giày cao cấp để xuất khẩu thì không nơi nào thay thế được. Như vậy khi thuế giảm thì hy vọng các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam có thể gia tăng, từ đó sẽ làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này nói chung.

Ít cạnh tranh với hàng trong nước

Bộ Công thương nhận định các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Anh và Việt Nam sẽ mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh. Khi Anh rời EU (Brexit), các ưu đãi mang lại từ EVFTA không được áp dụng tại thị trường Anh cũng như với hàng hóa từ Anh vào Việt Nam. Bởi vậy, việc ký kết thêm FTA song phương Anh - Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.
Ông Diệp Thành Kiệt nhận định các sản phẩm từ Anh đa số là hàng thuộc phân khúc cao cấp, nên nếu thuế nhập khẩu giảm về còn 0% cũng không cạnh tranh nhiều với hàng trong nước hay hàng hóa của các nước trong khu vực. Thậm chí, một số sản phẩm thực phẩm cao cấp mà Việt Nam muốn gia tăng sản xuất như rượu vang Đà Lạt, phô mai… sẽ có sự cạnh tranh vì đó là sản phẩm truyền thống của châu Âu nói chung hay Anh nói riêng. Nhưng các doanh nghiệp (DN) nên suy nghĩ tích cực hơn là khi có sự lưu thông hai chiều, nguyên phụ liệu để sản xuất những sản phẩm cao cấp nói trên cũng sẽ được giảm giá. Do đó, DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với DN Anh hay châu Âu nhiều hơn, thị trường sẽ mở rộng hơn.
Bên cạnh thương mại, theo các chuyên gia, cơ hội hợp tác giữa DN hai nước chắc chắn sẽ tốt hơn. Việt Nam thường nhập khẩu các mặt hàng có giá trị cao từ EU như máy móc, thiết bị y tế, tân dược. “Thế nên, trong thời gian tới, máy móc thiết bị nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng, với thuế suất nhập khẩu còn 0% từ EU và Anh, người Việt thêm cơ hội lựa chọn về chất lượng và so sánh giá cả là điều rất tốt. Hàng từ Anh và EU về Việt Nam đều được cạnh tranh sòng phẳng”, một thành viên Hiệp hội Cơ khí TP.HCM kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.