Cơ hội phát triển từ lấn biển

Đình Sơn
Đình Sơn
03/04/2024 06:37 GMT+7

Quy định về hoạt động lấn biển trong luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực được kỳ vọng tạo ra cơ hội phát triển bùng nổ cho VN.

Cụ thể, điều 190, luật Đất đai 2024, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ để lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư lấn biển theo quy định pháp luật.

Nên có hiệu lực sớm

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu phân tích, nhìn lại lịch sử có thể thấy từ lâu ông cha ta đã lấn biển. Hiện nay nhiều địa phương cũng đã lấn biển. Vì lấn biển có tầm quan trọng nên trong luật Đất đai quy định lấn biển có hiệu lực từ ngày 1.4 thay vì phải tới đầu năm 2025.

Cơ hội phát triển từ lấn biển- Ảnh 1.

Tuần Châu là khu đô thị lấn biển đầu tiên ở VN

Đình Sơn

Hiện nay, VN đã có một số dự án lấn biển. Nổi bật có khu đô thị lấn biển Cần Giờ quy mô lên đến 2.800 ha. Đây là siêu đô thị với các chức năng hoàn chỉnh, đáp ứng về khu đô thị xanh, tiết kiệm điện, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường… Hay khu đô thị lấn biển ở Quảng Ninh đã hình thành cả một khu công nghiệp ô tô hiện đại hay các khu đô thị hiện đại.

"Các quy định về hoạt động lấn biển mang lại lợi ích về quốc phòng, đô thị, công nghiệp, cảng biển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, làm thủy cung, đường hầm đi dưới đáy biển, dự án điện gió ngoài khơi… nên rất cần thiết. Để sớm thực thi các quy định trong luật phải có nghị định hướng dẫn. Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện nghị định để sớm ban hành, làm cơ sở pháp lý cho DN làm và các địa phương quản lý. 

Luật này sẽ tháo gỡ cho các dự án lấn biển đang ách tắc hiện nay. Đồng thời cũng định hướng hoạt động lấn biển theo quy hoạch quốc gia, quy hoạch chung cấp tỉnh. Không phải chỗ nào cũng lấn biển mà phải thuận theo tự nhiên, nhất là những khu vực bồi lắng phù sa rất cao như khu vực Kim Sơn (Ninh Bình) hay vùng biển mũi Cà Mau… phù hợp lấn biển. Còn khu vực biển bị xâm thực cần phải bảo vệ chứ không thể lấn biển. Nếu có quy hoạch thì hoạt động lấn biển mới bền vững", ông Châu đề xuất.

TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách - Trường ĐH Hùng Vương, thì cho rằng cho phép lấn biển là hướng mở để thúc đẩy cho bất động sản phát triển. Khi những khu đô thị biển được xây dựng sẽ giúp địa phương phát triển du lịch, tạo điểm đến. "Nếu khai thác tốt lợi thế này sẽ giúp VN trở thành một điểm đến của thế giới. Cần quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn, vừa là "bàn đạp" tiến ra biển, vừa là "đầu tàu" kéo các vùng kinh tế khác ở trong nước cùng phát triển", TS Trần Việt Anh đề xuất.

Còn ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, nhận xét: Cách đây hơn 20 năm, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi lãnh đạo TP.HCM khuyến khích ý tưởng tiến ra biển bằng cách đánh thức tiềm lực H.Cần Giờ. Nhiều địa phương đã và đang thực hiện chính sách lấn biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Kiên Giang. Tỉnh Thanh Hóa đề cập lấn biển nhưng để bảo vệ môi trường. Tỉnh Sóc Trăng có quy hoạch lấn biển ở Cù Lao Dung, Trần Đề và Vĩnh Châu. Tỉnh Bến Tre có quy hoạch mở rộng ra biển 50.000 ha (500 km2) ở H.Thạch Phú, Ba Tri, Bình Đại… Tính đến hết năm 2023, 15/28 tỉnh, TP ven biển đã có quy hoạch tỉnh, TP được công bố, nhưng chỉ có 4 tỉnh đề cập đến lấn biển là Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.

"Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra mục tiêu tới năm 2045 VN sẽ trở thành cường quốc biển. Trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định về lấn biển, các địa phương đang gấp rút xây dựng và phê duyệt quy hoạch chung thì việc quan trọng là chúng ta cần tích cực nhận chuyển giao công nghệ vật liệu mới phục vụ lấn biển. Duy trì chính sách cấm xuất khẩu cát tự nhiên và có giải pháp kiểm soát tốt nạn cát tặc…", ông Bình khuyến cáo.

Nhiều nước lấn biển, phát triển kinh tế

Theo lãnh đạo một DN bất động sản, trên thế giới việc lấn biển có từ rất lâu và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và nhà nước. Điển hình như Singapore đến nay 1/4 diện tích là nhờ lấn biển mà có. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nước này vẫn đang tiếp tục lấn ra biển. Hay Dubai (UAE), nhiều khu đô thị rộng mênh mông được xây hoàn toàn trên biển. Một quốc gia gần VN là Malaysia cũng có rất nhiều TP được xây dựng hoàn toàn trên biển. Dự án Forrest City với diện tích khoảng 20 km2 được xây dựng trên vùng biển sát với Singapore. Rồi Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lấn biển để mở rộng bờ cõi.

Cơ hội phát triển từ lấn biển- Ảnh 2.

Tiến ra biển là xu thế tất yếu

Đình Sơn

KTS Trần Tuấn nói, ở nhiều nơi trên thế giới, việc lấn biển ngày càng được ngợi ca như một giải pháp chống biến đổi khí hậu. "Sơ đồ hóa tình hình lấn biển toàn cầu trong thế kỷ 21" công bố hồi tháng 2 trên tạp chí Earth's Future cho thấy từ năm 2000 - 2020, diện tích đất ven biển trên trái đất đã được mở rộng thêm tổng cộng khoảng 253.000 ha từ các dự án lấn biển của 135 thành phố có dân số nhiều hơn 1 triệu người. Gần 80% (106/135) các thành phố này coi lấn biển là một "nguồn cung đất mới".

KTS Trần Tuấn dẫn chứng Chính phủ Maldives đang bảo vệ cho một chiến dịch vận động xây đảo để thay cho phần diện tích đất đã bị mất vì nước biển dâng nhanh. Tại Nigeria đang xây dựng một thành phố rộng 2.600 ha trên diện tích đất "khai hoang" từ Đại Tây Dương và được cho là sẽ bảo vệ thành phố Lagos khỏi bị xói mòn. Năm 2023, ngành bất động sản, mà chủ yếu từ các siêu dự án lấn biển, đã mang lại cho Dubai (UAE) gần 110 tỉ USD.

Tại UAE có 2 công trình lấn biển nổi tiếng là Palm Jumeirah và Deira Islands ở Dubai. Tổ hợp Palm Jumeirah được bao quanh bởi một hòn đảo hình lưỡi liềm dài gần 11 km. Công trình này có hơn 60 km bãi biển, tổng vốn đầu tư 12,3 tỉ USD. Trong khi đó, Deira Islands là dự án có quy mô lớn gấp 8 lần Palm Jumeirah, có thể đáp ứng chỗ ở cho ít nhất 250.000 người. Dự án này đã bổ sung thêm 21 km vào đường bờ biển cho UAE.

"Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng cách đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và mua cát ở những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km2 ở thập niên 1960 lên 697,25 km2 như ngày nay và đến năm 2030 có thể sẽ tăng thêm 100 km2 nữa. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands mở cửa vào năm 2010 được xây trên diện tích lấn biển với lượng cát được đổ từ những năm 1970. Dự án này mang lại nguồn thu khổng lồ cho đảo quốc sư tử", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần chính sách, cơ chế đặc biệt

Ủng hộ việc lấn biển nhưng ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nói rằng cần phải cụ thể hóa quy định của pháp luật. Nếu luật chưa rõ ràng thì không ai dám làm, không huy động được nguồn lực trong dân. Khi có một dự án lấn biển sẽ xung đột lợi ích, nhiều người sẽ phản đối, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Trong khi những DN lấn biển, thành tích đâu chưa thấy đã bị phản ứng.

"Nước ta là nước có nhiều biển mà không có một cơ chế cho việc cải tạo, lấn biển rõ ràng. Trong khi các nước quanh VN mua cát lấn biển để diện tích tăng lên, còn nước mình thì diện tích ngày càng thu hẹp. Do vậy, làm sao lấn biển, cải tạo biển phải tạo thành xu thế, là câu chuyện sống còn, tăng cường sức mạnh quốc gia nên cần chính sách, cơ chế đặc biệt. Ngoài ra cần phải có cơ chế hóa, thể chế hóa, chính sách cụ thể rõ ràng để khuyến khích DN tham gia. Bởi nếu chỉ nói không thì không ai dám làm vì khi lấn biển một số người không được hưởng lợi người ta sẽ phản đối", ông Thiên nhấn mạnh.

Đặc biệt, để phát triển kinh tế biển, mở rộng một không gian phát triển mới, VN cần có cách tiếp cận mới. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển một cách chiến lược phải trở thành một nhu cầu bức bách, đồng thời là một cơ hội lớn cho sự trỗi dậy mang tính bùng nổ của VN.

"Cả khu vực "mặt tiền" biển sẽ được đầu tư để phát triển các khu đô thị biển và du lịch biển. Bờ biển, đảo cũng phải phát triển mạnh. Phải đổi mới tư duy phát triển kinh tế bờ biển với một trong các điểm nhấn là ưu tiên xây dựng một số cứ điểm phát triển chiến lược mạnh ven biển. Những cứ điểm này là các tổ hợp phát triển lớn bao gồm: đô thị biển + cảng biển lớn + khu kinh tế mở hay khu kinh tế tự do. Cần bỏ tư duy khai thác biển theo lối "đánh bắt ven bờ", không dám vươn ra biển khơi, mà phải mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương. VN cũng nên học hỏi để khai thác lợi thế bờ biển dài để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia", TS Thiên nêu quan điểm.

Cần có chính sách nhất quán

Cần có chính sách mở, nhất quán về khuyến khích hoạt động lấn biển. Để làm được điều này cần có thể chế đồng bộ, minh bạch theo tinh thần cân bằng giữa quản lý và kiến tạo trong lấn biển. Đồng thời luật hóa hoạt động lấn biển, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các quy định giữa luật Đất đai, luật Biển Việt Nam, luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động lấn biển. Quy định rõ các khu vực hạn chế, khu vực cấm lấn biển.

Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh

Lưu ý môi trường sinh thái

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia ven biển có nhiều bài học kinh nghiệm và giải pháp tốt cho các dự án lấn biển để chúng ta tham khảo. VN có lợi thế với hơn 3.200 km bờ biển nên việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là một giải pháp để mở rộng quỹ đất mà còn chủ động ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền như hiện nay. Không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Địa phương nào có điều kiện lấn biển thì nên lấn và nơi nào chưa làm thì nên nghĩ đến trong tương lai.

Tuy nhiên cần phải đặc biệt quan tâm lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển là sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, đời sống của người dân ven biển và đặc biệt là biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.