Cơ hội siết chặt chi tiêu

26/10/2013 03:00 GMT+7

Thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, nhưng chi tiêu công lại tăng đều, là vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong hai năm 2014 và 2015, khiến QH đau đầu. Đề xuất giảm tỷ lệ tăng lương theo lộ trình của Bộ Tài chính mới chỉ là mở đầu, nhưng chưa đau đớn. Nếu tình trạng thâm hụt này tiếp tục kéo dài, không những không có tiền tăng lương mà đến lúc còn phải cắt giảm.

Trong nhiều năm qua, chi tiêu công được coi là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của VN. Theo Ủy ban Kinh tế của QH, quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển như VN nằm trong khoảng từ 15-20% GDP. Nhưng hiện nay, quy mô chi tiêu công (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) của VN đang rất cao, chiếm tới hơn 30% GDP, hiệu quả đầu tư thấp.

Đáng nói là, trong khi chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm về tỷ trọng trong tổng chi ngân sách do nỗ lực cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, thì tỷ trọng chi thường xuyên, lại có xu hướng tăng nhanh, từ mức 51,9% năm 2003 lên 72,1% năm 2012. Bình quân 12 năm (2001 - 2012) chi cho hoạt động của bộ máy hành chính là 55,37% tổng chi ngân sách nhà nước. Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền.

Sau 2 năm thực hiện cắt giảm đầu tư công không mấy hiệu quả, có lẽ các ĐBQH cần tính toán lại, chúng ta phải làm gì trong bối cảnh hiện nay. Việc để tới hơn 70% tổng chi ngân sách cho chi thường xuyên là điều cần phải xem xét. Đã đến lúc, QH cần tạo áp lực mạnh mẽ hơn trong đặt yêu cầu, giám sát việc rà soát các hoạt động có thể tiết kiệm được trong nhóm chi tiêu thường xuyên. Về nguyên tắc, cắt giảm phần chi tiêu thường xuyên của bộ máy hưởng ngân sách nhà nước hầu như không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ cũng từng cảnh báo có tới 30% công chức ăn lương mà không làm việc.

Ngân sách eo hẹp chính là thời cơ để tinh giản biên chế, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả để giảm chi thường xuyên. Chúng ta có rất nhiều các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chưa phát huy hiệu quả vì làm không nghiêm. Chẳng hạn, trước đây, Chính phủ có quy định cấp bộ trưởng mới có tiêu chuẩn xe riêng, còn 2-3 thứ trưởng đi chung một xe; nhưng rồi quy định này chả bao giờ được thực hiện. Nhiều bộ “lạm phát” thứ trưởng, nên ngân sách phải chi ra không nhỏ.

Ngân sách eo hẹp cũng là cơ hội để chúng ta quyết liệt cắt giảm các khoản chi tiêu cho lễ lạt, hội họp, tham quan, học tập nước ngoài vô cùng lãng phí, tồn tại nhiều năm nay. Chỉ nguyên phát hiện ở một lễ khởi công dự án của Vinalines thôi (khởi công cảng Vân Phong) đã thấy chi vượt 80 lần chi phí tối đa cho phép (4,1 tỉ so với 50 triệu). Còn bao nhiêu những lễ khởi công, lễ khánh thành khác, sẽ thấy lãng phí, xót xa biết chừng nào.

Cử tri cần những quyết sách cụ thể, giải quyết được từng vấn đề, hơn là những phát biểu thừa sự hiểu biết, thiếu sự quyết tâm.

An Nguyên

>> Tiền đâu để tăng bội chi?
>> Lo ngại khả năng cân đối ngân sách
>> Bó tay' với thất thoát, lãng phí 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.