Theo báo cáo của Hepza, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước tại các KCN-KCX đóng trên địa bàn TP.HCM trong quý đầu năm tăng hơn 21% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 90,14 triệu USD.
Tuy vậy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới giảm gần 86%, chỉ đạt 2,17 triệu USD (4 dự án); vốn cấp mới cho doanh nghiệp trong nước cũng giảm gần 34%, gần 361,8 tỉ đồng (tương đương 15,64 triệu USD).
Ngoài ra, có 5 dự án FDI điều chỉnh tăng 46,63 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; 5 dự án đầu tư trong nước điều chỉnh tăng 594,41 tỉ đồng (tương đương 25,7 triệu USD), tăng hơn 1% so với cùng kỳ.
Đại diện Hepza nhận định, trong quý 1/2023, vốn đầu tư cấp mới giảm mạnh, đặc biệt vốn FDI không có dự án lớn, không có dự án mang tính dẫn đầu, lan tỏa. Các doanh nghiệp FDI được cấp giấy phép mới tập trung ngành chế biến, chế tạo và 100% dự án thuê lại nhà xưởng có sẵn trong các KCN.
"Khó khăn lớn nhất của các KCN tại TP.HCM là quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án lớn. Quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư được là 351 ha. Tuy nhiên, nhiều khu đất chưa chuẩn bị được mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật. Nên trong năm 2023, số cập nhật mới nhất chỉ có khoảng 41 ha có thể cho thuê ngay được. Số đất này cũng rải rác, không tập trung và có diện tích nhỏ, chỉ từ 5.000 - 10.000m2. Điều này là một trong những khó khăn cho TP trong thu hút các dự án đầu tư lớn", đại diện Hepza thông tin.
Dù vậy, ông Hứa Quốc Dung vẫn tỏ ra lạc quan khi nhận định, tuy FDI giảm sâu, diện tích đất sử dụng chỉ 2,15 ha (không phải là đất thuê mới tại KCX-KCN), giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022 (14,30 ha), song diện tích nhà xưởng cho thuê lại tăng gấp 6 lần, lên 52.825m2.
"Điều này cho thấy, nhu cầu thuê làm nhà xưởng nhỏ, văn phòng của nhà đầu tư tại TP.HCM rất cao. Quỹ đất lớn không có, TP.HCM có phần thua thiệt trong thu hút đầu tư, nhưng rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, khi đặt chân đến Việt Nam, việc họ quan tâm là muốn có mặt tại TP.HCM cho dù giá cho thuê cao hơn. Có một ý doanh nghiệp chia sẻ là họ muốn đặt đại bản doanh hay trụ sở, nhà xưởng làm hàng mẫu, hay nghiên cứu phát triển, hoặc sản xuất một nhánh trong chuỗi… tại thị trường lớn như TP.HCM khi đầu tư vào Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Trả lời thắc mắc của Báo Thanh Niên về cơ hội thu hút "đại bàng" vào TP.HCM trong tương lai, ông Hứa Quốc Dung khẳng định vẫn còn rất lớn. Chẳng hạn, có nhà đầu tư công nghệ cao quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD đang làm việc, có thể đến TP.HCM trong nay mai.
Về đề án "Định hướng phát triển các KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", Hepza cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2024, thành phố sẽ lập đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu. Hiện tại, KCX Tân Thuận đang tự chuyển đổi, thu hút các dự án đầu tư phần mềm, công nghệ cao; KCN Hiệp Phước trong tương lai chuyển sang mô hình sinh thái; KCN Cát Lái là trung tâm logistics; KCN Tân Bình và Bình Chiểu lọt trong khu dân cư, diện tích nhỏ… Ước tính, 5 KCX-KCN này hiện có khoảng 700 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bình luận (0)