Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn lối ra cho những ai đang học trung cấp.
Hàng trăm ngàn người lo thất nghiệp
Hiện nay, cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp (TC) nhóm ngành sức khỏe, với tổng quy mô khoảng 120.000 học sinh. Trong số đó, có 80 trường TC, 45 trường CĐ và 10 trường ĐH.
Tại TP.HCM có 5 trường CĐ và 21 trường TC đang đào tạo khối ngành sức khỏe ở trình độ TC. Trong vài năm trước, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 - 7.000 học sinh nhập học. Tính đến nay, quy mô đào tạo là khoảng 14.000 người.
Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định từ ngày 1.1.2021, viên chức ngành y phải có trình độ từ CĐ trở lên, và từ năm 2025, chức danh cán bộ bậc TC trong toàn bộ ngành y sẽ bị hủy bỏ.
Bác sĩ CK II Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết: “Theo quy định mới của Bộ Y tế, hiện nay chúng tôi ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp CĐ, ĐH. Đa số các bệnh viện loại đặc biệt và loại 1 đều như vậy. Chỉ khi nào số lượng không đủ thì mới tuyển đến TC”. Những người đang làm việc mà có trình độ TC, bệnh viện liên kết với các trường CĐ để tổ chức học liên thông lấy bằng CĐ.
tin liên quan
Chương trình giáo dục nghề nghiệp: Ít nhất 50% thời lượng thực hànhHệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều thay đổi trong đào tạo, đặt trọng tâm vào thực hành.
Nhu cầu tuyển dụng của các bệnh viện hiện nay không quá nhiều. Theo bác sĩ Tiến, số lượng người về hưu hay nghỉ việc tại Bệnh viện Nguyễn Trãi hằng năm nhiều nhất cũng chưa tới 10 người, việc tuyển thêm cũng có nhưng tùy vào nhu cầu phát triển chuyên môn hay kỹ thuật mới. Vì vậy, hiện tại, nếu cần người, bệnh viện chỉ tuyển bậc CĐ, ĐH.
Vẫn còn nhiều cánh cửa khác
Trước thực tế này, nhiều trường TC có ngành sức khỏe đến thời điểm này hầu như không nhận được hồ sơ tuyển sinh nào. Bà Đào Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Phương Nam, thông tin hiện trường mới nhận được 50 hồ sơ cho các ngành nghề, trong đó nhóm y dược không có ai đăng ký. Trường TC Quang Trung cũng giảm 50% người đăng ký so với thời điểm này năm trước.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cũng nhận định để có thể giải quyết được việc làm cho trong thời điểm này, các trường TC bắt buộc phải tìm cách liên kết với trường ĐH, CĐ để tổ chức học liên thông, nâng cao trình độ. Bản thân người đã tốt nghiệp chưa kiếm được việc cũng phải chủ động đăng ký học liên thông.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng các trường TC chuyên đào tạo ngành y tế - sức khỏe muốn tồn tại thì nên nâng cấp thành trường CĐ hoặc sáp nhập vào trường CĐ, ĐH. Trước mắt, để duy trì và ổn định đào tạo thì phải liên kết với các trường này để đào tạo liên thông hoặc mở rộng các chương trình hợp tác du học, xuất khẩu lao động đối với ngành chăm sóc sức khỏe.
tin liên quan
Gấp rút nâng chuẩn trung cấp ngành yTrước quy định của Bộ Y tế về việc từ năm 2021, các cơ sở y tế trong nước sẽ ngừng tuyển dụng người tốt nghiệp các ngành đào tạo y dược trình độ trung cấp, nhiều trường trung cấp như ngồi trên lửa, tìm đường cứu mình.
Đối với trường đào tạo nhiều nhóm ngành, trong đó có ngành y tế - sức khỏe mà không đủ điều kiện phát triển thành trường CĐ thì chỉ còn cách phát triển mở rộng đào tạo các ngành nghề hiện có và các ngành khác mà xã hội đang cần.
Về việc làm cho người tốt nghiệp TC ngành y, ông Tuấn cho rằng vẫn còn những cơ hội khác ngoài các bệnh viện. Theo ông Tuấn, nếu trước mắt chưa có điều kiện để học tiếp liên thông thì có thể xin làm việc tại các phòng khám tư nhân, phòng y tế của các doanh nghiệp, cơ sở xã hội… Ngành dược có thể tìm việc tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh dược phẩm, doanh nghiệp sản xuất dược... Với ngành điều dưỡng, có nhiều vị trí việc làm của các chương trình xuất khẩu lao động (vừa học vừa làm), làm việc tại các spa, tổ chức chăm sóc sức khỏe của tư nhân…
Bình luận (0)