'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Phải giải quyết triệt để

Duy Tính
Duy Tính
08/02/2023 04:20 GMT+7

Từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng và các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP.HCM đã ra sức dẹp nạn "cò" khám chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa dứt hẳn.

Thực tế, áp lực quá tải bệnh viện (BV) buộc bệnh nhân (BN) phải chờ đợi thì nhu cầu tìm đến "cò" khám chữa bệnh (KCB) hoặc "cò" dùng nhiều chiêu thức để dẫn dụ BN cũng gia tăng. Thực tiễn này cũng đã được các BV, ngành y tế và Công an TP.HCM nhìn nhận, đánh giá.

'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Phải giải quyết triệt để - Ảnh 1.

Nhóm "cò" của “P. Hòa Hảo” tụ tập gây mất trật tự khu vực trước cổng phòng khám Hòa Hảo (Q.10)

Trần Duy Khánh

GIAN NAN ĐỐI PHÓ VỚI "CÒ"

Theo lãnh đạo BV Ung bướu, trước đây tại cơ sở 1 ở đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), BN từ các tỉnh lên rất sớm, từ 5 giờ sáng, tập trung đông để lấy số thứ tự nên xảy ra tình trạng "cò" lấy số. Do vậy, BV đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó lấy máu xét nghiệm từ sớm để giảm bớt "cò"; tổ chức nhiều điểm lấy máu xét nghiệm, nhiều quầy thu tiền; ứng dụng công nghệ để BN biết số thứ tự đến khám. Với BN tái khám thì BV phát sẵn số thứ tự, khung giờ khám để tiện cho BN.

Lãnh đạo BV Ung bướu cho biết thêm ngoài "cò" KCB còn có "cò" từ thiện. Những đối tượng này lợi dụng hình ảnh, thông tin BN để trục lợi một phần hoặc toàn bộ. Ví dụ các đối tượng xin được 100 triệu đồng thì chỉ cho BN 10 triệu đồng. Do đó, BV quy định rõ ràng là các tổ chức, cá nhân không được lấy hình ảnh BN, ngay cả khi BN đồng ý thì phải bàn bạc với Phòng Công tác - xã hội, ý kiến BV để xem xét từng trường hợp cụ thể để vận động. BV Ung bướu cũng đề xuất công an địa phương tăng cường hỗ trợ, nhất là dịp lễ.

Tại hội thảo khoa học "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM" do Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào giữa tháng 12.2022, nói về "cò" KCB, đại diện BV Đại học Y - Dược TP.HCM cho biết trước đây tình trạng "cò" tại BV rất phức tạp, có thời điểm tới 70 - 80 "cò" hoành hành. Thậm chí có những khu vực "cò" "thay mặt" BV kiểm soát như bán số khám bệnh, đưa bệnh, kiểm soát các khoa, phòng; nhân viên phản ánh thì bị đe dọa, hành hung. Sau đó BV quyết tâm dẹp "cò", cho đội bảo vệ dịch vụ nghỉ, bởi đội bảo vệ này không chuyên nghiệp, chất lượng rất thấp, thậm chí khi BN hỏi có cách nào khám nhanh không thì bảo vệ chỉ ngay cho "cò" và nhận 50.000 đồng/người. BV đầu tư cho lực lượng bảo vệ cơ hữu và được sự hỗ trợ từ phía công an thì đã đẩy lùi được "cò" ra khỏi BV. Hiện nay chỉ còn vài đối tượng "cò" xung quanh BV.

TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết thêm tại BV Nhân dân 115 các đối tượng "cò" dịch vụ xe cấp cứu, vận chuyển hoạt động ngày càng phức tạp với những phương thức, thủ đoạn manh động, nguy hiểm. Theo đó, các đối tượng này tổ chức theo nhóm, trà trộn tiếp cận thân nhân người bệnh để phát card, tờ rơi, trao đổi số điện thoại nhằm câu kéo sử dụng xe cứu thương; đe dọa, chèn ép người bệnh, người nhà phải sử dụng xe cứu thương của họ. Những đối tượng này đậu nhiều ô tô trước cổng hoặc di chuyển vào khuôn viên BV dưới danh nghĩa xe nhà, xe từ thiện để lôi kéo người bệnh lên xe, gây mất an ninh trật tự BV.

Đáng nói hơn, "cò" tổ chức thành các nhóm gây mất an ninh trật tự, la mắng, đe dọa hành hung nhân viên bảo vệ của BV. Họ còn quay clip vu khống các đội xe cứu thương chính thống hoặc của đơn vị hoạt động được cấp phép theo quy định, tung thông tin sai lệch, gây mất uy tín, hình ảnh của BV; cung cấp hình ảnh không đúng với thực tế, hoặc di chuyển người bệnh một đoạn sẽ đổi sang xe khác cũ và kém chất lượng hơn rất nhiều.

"Mỗi ngày BV có 200 người xuất viện nên nhu cầu đi xe rất lớn, nhiều trường hợp phải sử dụng xe không đảm bảo chất lượng. Do đó, ngoài việc kiểm soát xe ra vào BV, giải thích cho người nhà về công tác vận chuyển, BV đề nghị công an tiếp tục tuần tra, hỗ trợ BV. Cần có quy định chặt chẽ về xe cứu thương", TS-BS Sóng nói.

3 LOẠI "CÒ" TRONG 1 bệnh viện

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Chợ Rẫy, thừa nhận ở BV tồn tại 3 loại "cò": "Cò" bốc số thứ tự, có thể liên quan nhân viên BV, nhưng chủ yếu là người từ bên ngoài. "Cò" dắt bệnh chen ngang, phần lớn liên quan nhân viên BV. "Cò" xe cứu thương có liên quan đến bên ngoài nhưng cũng có liên quan nhân viên BV. Ví dụ một BN khi xuất viện thì chính nhân viên BV thông tin lại cho người bên ngoài.

Theo BS Việt, tình trạng "cò" BV cũng một phần xuất phát từ việc BN đông, việc mua bán hàng rong trước cửa BV dẫn đến "cò" bệnh, cò "xe". Do đó, BV Chợ Rẫy phối hợp công an địa phương dọn dẹp lòng lề đường. Hiện BV không để xảy ra "cò" dắt bệnh, không đúng số thứ tự là không cho chen ngang. Với "cò" bán số, trước đây BN bốc số chỉ đơn thuần là số thứ tự, chưa có thông tin BN nên "cò" bốc số để bán, còn hiện nay người bốc số phải có thông tin BN đi kèm.

"Nhưng hiện vẫn còn cho phép bốc số giùm thì có hiện tượng thuê người đứng xếp hàng lấy số, rất khó giải quyết", BS Việt nói. Còn với "cò" xe cứu thương, BV Chợ Rẫy không cho xe cứu thương ra vào tự do, chỉ xe có đăng ký tên BN về mới được vào, đồng thời BV tổ chức chỗ đăng ký cho xe cứu thương vào BV, giải thích rõ cho BN, điều này giúp giảm hẳn "cò" xe cứu thương.

"CÒ" HOẠT ĐỘNG RẤT PHỨC TẠP

Từ nhiều năm qua, khu vực trước Công ty TNHH y tế Hòa Hảo (PK đa khoa Medic - Hòa Hảo ở 254 Hòa Hảo, Q.10), tình trạng "cò" hoạt động rất phức tạp. Theo Công an Q.10, hiện hằng ngày có trên 1.500 lượt người từ các tỉnh, thành đến khám.

Công an Q.10 nhận diện tại đây có 2 dạng "cò". Dạng thứ nhất dẫn BN trực tiếp vào Medic - Hòa Hảo và hướng dẫn BN đăng ký khám, lấy số thứ tự và đợi đến lượt (dẫn bệnh); dạng thứ 2 là lôi kéo BN vào 2 PK lân cận Medic - Hòa Hảo để thực hiện xét nghiệm và mua thuốc với giá cao.

"Ngay trước cổng Medic - Hòa Hảo thường xuyên tụ tập 10 - 20 "cò", khi lực lượng công an phường có mặt thì họ ngồi im, nhưng khi công an vừa rút đi thì họ tiếp tục hoạt động. Ban Chỉ huy Công an Q.10 đã chỉ đạo Công an P.4 xây dựng kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp; đến nay tiến hành lập hồ sơ xử phạt hành chính 11 trường hợp (400.000 đồng/người) về hành vi gây rối trật tự công cộng", Công an Q.10 cho biết.

Theo phân tích của Công an Q.10, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực xung quanh PK Medic - Hòa Hảo là tại đây hiện có 2 phòng khám quy mô nhỏ hơn đang hoạt động, phát sinh số đối tượng "cò" lôi kéo, dẫn BN vào khám bệnh. Khi xuất hiện lực lượng chức năng thì số "cò" này tản ra lẩn vào những người đi KCB nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, một số nhân viên của PK có biểu hiện móc nối với số đối tượng "cò" để làm thủ tục cho khách đến khám bệnh nhanh theo yêu cầu. Mặt khác, BN, người nhà BN có tâm lý muốn khám bệnh nhanh. Trong đó những BN mới đến khám lần đầu dễ bị lực lượng "cò" dẫn dụ. Ngoài ra, lực lượng công an phường cũng chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm dẫn đến hiệu quả chưa cao trong công tác quản lý...

Công an Q.10 làm quyết liệt

Công an Q.10 chỉ đạo Công an P.4 thực hiện công tác điều tra cơ bản, lập danh sách các đối tượng có nghi vấn hoạt động "cò" KCB gây mất an ninh trật tự trên địa bàn phường, danh sách các cơ sở KCB, nhân viên có liên quan hoạt động của các đối tượng "cò". Qua đó đề xuất, tham mưu biện pháp xử lý phù hợp.

Công an Q.10 chỉ đạo lực lượng trinh sát tăng cường công tác tuần tra tại khu vực PK Medic - Hòa Hảo, phối hợp công an phường kiểm tra, xử lý các đối tượng "cò". Thường xuyên gọi hỏi, cảm hóa, giáo dục các đối tượng, buộc cam kết không được tụ tập tại Medic - Hòa Hảo; sàng lọc số người hành nghề xe ôm có hiện tượng làm "cò" dắt mối khám bệnh tại các phòng khám bên ngoài và trong Medic - Hòa Hảo.

Công an Q.10 đề nghị Medic - Hòa Hảo thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng "cò" trong và xung quanh PK, cũng như cảnh báo về tình trạng "cò" cho BN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.