Có lo CSGT hóa trang bị giả danh, lạm quyền?

10/09/2023 07:59 GMT+7

Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, CSGT hóa trang sẽ không được xử phạt người vi phạm mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm.

Từ ngày 15.9, Thông tư 32/2023 (Thông tư 32) của Bộ Công an sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.

Thông tư mới của Bộ Công an, người dân gặp CSGT hóa trang có cần 'lo lắng'? - Ảnh 1.

Lực lượng cảnh sát hóa trang xử lý vi phạm giao thông

ĐÌNH HUY

Theo đó, Thông tư 32 quy định tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang cụ thể gồm: sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Thực tế, thời gian qua đã từng xuất hiện một số đối tượng giả danh CSGT để "thổi còi" người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi làm sao để phân biệt được các lực lượng chức năng?

Thông tư mới của Bộ Công an không yêu cầu CSGT chào tài xế bằng lời nói

Chia sẻ về nội dung này, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho biết vấn đề tuần tra, kiểm soát kết hợp giữa lực lượng công khai và hóa trang không mới, đã từng được thực hiện trước đây nhưng Thông tư 32 có quy định rõ.

Càng ngày, càng xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm giao thông phức tạp như những đối tượng gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, bỏ hai tay lạng lách trên đường, đi xe vào đường cao tốc... nên cần có lực lượng CSGT hóa trang kết hợp công khai để ngăn chặn, xử lý. Điều này nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông.

Theo ông Nhật, lực lượng CSGT hóa trang khi làm việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, được cấp thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

"Nhiệm vụ của lực lượng hóa trang là sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi khác. Khi phát hiện ra thì thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành giữ phương tiện, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng về an ninh, trật tự (tội phạm) thì sử dụng chứng minh của công an nhân dân, thông báo, vận động người dân phối hợp, ngăn chặn đối tượng", đại tá Nhật nói.

Ông Nhật khẳng định theo những quy trình trên, người dân không cần lo lắng CSGT mặc thường phục sẽ lạm quyền vì theo quy định sẽ không thể có. Bên cạnh đó, CSGT hóa trang sẽ không được xử phạt người vi phạm mà chỉ giám sát, phát hiện để phối hợp ngăn chặn hành vi sai phạm.

Ngoài ra, trừ tình huống cấp bách khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, lực lượng CSGT vẫn phải tuân thủ 4 điều kiện được dừng kiểm soát phương tiện tham gia giao thông theo các quy định tại điều 16 Thông tư 32.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.