Nói đến thành công của một bộ phim cổ trang, bên cạnh kịch bản hấp dẫn, dàn diễn viên đẹp, tài năng thì tạo hình các nhân vật, trang phục và phụ kiện chính là những yếu tố giúp tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Đi được hơn một nửa quãng đường, Đại Đường Minh Nguyệt (tên khác: Phong khởi nghê thường) chiếm được cảm tình của người xem vì sự tinh tế, tỉ mỉ của phục trang trong phim. Vào vai Khố Địch Lưu Ly, Cổ Lực Na Trát trở thành trung tâm của tác phẩm, được đầu tư trang phục hết sức công phu, tỉ mỉ và nhận được nhiều lời tán dương về ngoại hình.
|
Xuất hiện trong hình tượng nữ nhân, nữ diễn viên sinh năm 1992 nổi bật với loạt xiêm y phong cách thời Đường song khác biệt hơn hẳn so với hình tượng phụ nữ Đường trong các bộ phim cổ trang khác. Người đẹp 29 tuổi khoác lên mình trang phục kiểu “tề hung nhu quần” (kiểu váy quần mà buộc ngang ngực, để lộ táo bạo một phần cổ và trên ngực). Khi kết hợp với dải lụa khoác hờ trên cánh tay, cùng lối trang điểm môi son anh đào, tô hoa điền trên trán và chân mày kẻ lá liễu rất thịnh hành thời Trinh Quan càng tôn lên vẻ uyển chuyển, thướt tha của người mặc. Đặc biệt, thay vì thiết kế trang phục theo kiểu để lộ vòng 1 như nhiều tác phẩm lấy bối cảnh đời Đường trước đây, trang phục của Đại Đường Minh Nguyệt nhận được lời tán dương vì kín đáo, nhẹ nhàng nhưng không mất đi vẻ quyến rũ, thu hút.
|
|
Loạt trang phục của Khố Địch Lưu Ly cũng như các nhân vật nữ trong phim được thiết kế đơn giản song không kém phần kỳ công, tinh tế. Không mang màu sắc chói lóa, rực rỡ như Cung tâm kế, không sử dụng gam trầm toát lên màu cổ phong như Diên Hi công lược, Đại Đường Minh Nguyệt chủ yếu dùng gam màu pastel nhã nhặn, ngọt ngào. Trang phục tỉ mỉ, chỉn chu và đầy nữ tính kết hợp với trang điểm trong suốt và kiểu tóc nhẹ nhàng giúp Cổ Lực Na Trát toát lên vẻ đẹp thanh thuần, trong trẻo đầy sức hút của một thiếu nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất.
|
Nếu như xiêm y của nữ giới có phần cầu kỳ, nam trang trái lại khá giản dị. Nam giới thường mặc áo viên lĩnh (cổ tròn). Cổ áo này khi mở ra tạo thành kiểu áo phiên lĩnh (cổ lật) cũng rất phổ biến thời bấy giờ. Với hai kiểu trang phục này, người đàn ông trở nên phong độ, hoạt bát mà không mất đi khí chất nho nhã, cao quý. Đặc biệt, xu hướng giả trang nam táo bạo của nữ giới thời đại này cũng được đưa lên phim một cách tinh tế. Khi Khố Địch Lưu Ly nhập cung dưới thân phận y quan trong Bất Lộc Viện, cô xuất hiện khác lạ trong áo viên lĩnh trắng, đội mũ đường cân như một nam nhân.
Để cho thấy độ đầu tư khủng, Đại Đường Minh Nguyệt công bố quá trình chế tác các bộ y phục cầu kỳ. Từ khâu lên ý tưởng, phác thảo kiểu dáng, phối màu, chọn lựa chất liệu vải và thêu hoa văn, tất cả đều hết sức kỳ công, tỉ mỉ. Toàn bộ quá trình đều phải chuẩn xác, bởi vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể làm hỏng thành quả chuẩn bị công phu. Câu chuyện của A Nghê, chủ tiệm may Như Ý Giáp Hiệt là một ví dụ. Dành cả tháng trời để hoàn thiện bộ xiêm y, thế nhưng, chỉ vì sử dụng loại vải chưa qua xử lý, dễ bị co rút và bay màu, tác phẩm của A Nghê lập tức bị biến dạng.
|
Đại Đường Minh Nguyệt lấy bối cảnh vào thời nhà Đường, cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của Lam Vân Thư. Tác phẩm được khen ngợi vì dàn diễn viên đẹp, tạo hình, bối cảnh chỉn chu, bắt mắt. 40 tập phim được phát sóng tại Việt Nam trên mục Phim truyện và ứng dụng Foxy của Truyền hình FPT, song song với Trung Quốc.
Bình luận (0)