Có một dòng chảy bất tận

30/10/2016 06:33 GMT+7

Đó là dòng chảy của sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong nghĩa đồng bào mà tôi được chứng kiến trong những ngày về với vùng rốn lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Rất nhiều đoàn cứu trợ dồn dập về với miền Trung và chia sớt nỗi đau, sự mất mát của người dân nơi đây. Từ nhiều miền của đất nước, những đồng tiền bát gạo chắt chiu, từ sự hưởng ứng vận động của bạn đọc, của các doanh nghiệp tạo nên một phong trào rộng lớn. Để đến hôm nay, chỉ riêng ở Báo Thanh Niên, số tiền và quà cứu trợ (nhận trực tiếp tại tòa soạn, hoặc phối hợp với các doanh nghiệp) đã lên đến con số xấp xỉ 15 tỉ đồng. Và trong nhiều ngày nữa, những đoàn cứu trợ của Thanh Niên vẫn tiếp tục lên đường đến với các vùng trũng ngập lụt mới hoàn hồn sau cơn lũ, hay đến với các vùng cao bị chia cắt nhiều ngày… khi bạn đọc, doanh nghiệp chung tay đồng hành.
Còn nhớ như in, hôm đến với bà con vùng cao của xã Cảnh Hóa (H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), khi đã phát xong những phần quà cứu trợ, biết tin một trường tiểu học bị ảnh hưởng bởi lũ, bàn ghế các cháu ngồi học bị hư hỏng, đoàn viên thanh niên của một chi nhánh ngân hàng ở TP.HCM đã quyên góp ngay tại chỗ mỗi người một ít tặng trường 10 triệu đồng để sửa chữa.
Hay hình ảnh của một giám đốc doanh nghiệp còn rất trẻ, đem 30 tấn gạo từ TP.HCM ra phân phát cứu trợ suốt mấy xã ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, rồi khi đến điểm cuối là xã Hương Liên (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), anh đi vào tận từng nhà dân tìm hiểu. Biết tin một chị 42 tuổi, có 6 đứa con vừa phải vật lộn với cái ăn hằng ngày sau lũ, vừa phải mỗi tuần một lần leo lên xe đò về Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh để chạy thận, anh đã rút ra 2 triệu đồng để tặng. Không chỉ một gia đình, trong chuyến đi tìm hiểu này, anh còn tặng thêm 8 gia đình khốn cùng, bi đát nhất xã mỗi nhà từ 1 - 2 triệu đồng. Rồi khi 40 hộ bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Rào Tre cùng xã này, sau khi nhận gạo cứu trợ, mở lời: “cán bộ ơi, gạo có rồi mà chưa có mắm”, thì anh vội vã gửi mỗi hộ 50.000 đồng. Những đồng tiền chắt chiu dành dụm từ mồ hôi, công sức của người doanh nhân trẻ và nhân viên của mình đã đến với đồng bào như thế đó…
Ở sân Ủy ban nhân dân xã Phúc Đồng (H.Hương Khê), tôi bắt gặp hình ảnh 3 bà mẹ già đội nón lá tơi tả đi nhận quà cứu trợ, trong khi chờ đợi, họ chia nhau lá trầu. Trầu vàng úa do bị ngập lụt mấy ngày, nhưng họ vẫn bỏm bẻm nhai và nói chuyện con cái ở nơi xa. Tôi giật mình khi hỏi thăm và được biết, trong đó có một bà mẹ đã 70 tuổi, sống một mình vì con cháu ở phương xa làm ăn. Không biết bà sẽ xoay xở ra sao trong những ngày ngôi nhà bị ngập lên đến nóc. Một anh cán bộ xã giải thích rằng, thì có bà con láng giềng cưu mang nhau thôi, ở vùng lũ là thế…
Bà mẹ già nhận tiền và gạo cứu trợ, có người vác giùm đưa về tận nhà. Trong tôi bỗng nảy ra một hy vọng rằng, giàn trầu trong khu vườn ấy của nhà bà sẽ lại xanh tươi. Như một bài học từ thuở nhỏ, với câu kết đầy ấm áp, lạc quan: còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.