Được biết, Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim cương thừa được kiến tạo bởi Đại lão Hòa thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche của dòng truyền thừa Drigung Kagyu, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam.
Đây là một quần thể được tạo tác bằng những thực hành mỹ thuật cổ xưa từ đôi bàn tay của những họa sư đến từ vùng đất Nepal - nơi đã sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từng đường nét, họa tiết đều được thực hiện bởi định lực và sự hợp nhất Thân - Tâm của các nghệ nhân họa sư. Tất cả họa tiết và hình vẽ mang những ý nghĩa sâu xa, và huyền bí.
Đến Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim cương thừa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức họa về thập phương chư Phật, chư Bồ tát, Thánh Tăng… Bên cạnh những chi tiết được tạo tác bởi các họa sư từ Himalaya còn dễ dàng nhận thấy sự đặc biệt trong hệ thống tượng pháp tại Samten Hills Dalat.
Đặc sắc nhất là biểu tượng Di Lặc theo phong cách Mật tông - chính là Đấng Cứu thế trong quan niệm Phật giáo Ấn Độ. Trong Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai), Đức Phật Di Lặc được đặt ở vị trí thứ ba nên cũng thường được gọi là Đức Phật của tương lai (The future Buddha).
Nhân dịp này, hội thảo khoa học "Những dấu ấn lịch sử của Phật giáo Kim Cương thừa tại Việt Nam" đã được tổ chức tại đây, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo các ý kiến từ hội thảo, hơn một nghìn năm trước, theo chân các cao tăng từ Ấn Độ, Phật giáo Mật tông đã đi vào lãnh thổ Việt Nam và để lại những di sản quan trọng trong việc hình thành không gian Phật giáo của người Việt. Đến ngày nay, những di sản đó vẫn còn nguyên giá trị với đời sống tinh thần của người Việt Nam. Nhưng cùng với việc du nhập nhiều luồng văn hóa, sự phát triển của đời sống hiện đại, không dễ bóc tách và nhận diện các dấu ấn của Phật giáo Mật tông nói chung và Phật giáo Kim Cương thừa nói riêng tại nước ta.
Phát biểu tại Lễ khánh thành Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo Kim cương thừa, ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: "Việc trao Bằng chứng nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có ý nghĩa giới thiệu với cộng đồng những giá trị kiến trúc và tâm linh quý báu của không gian Phật giáo Kim Cương thừa và mong muốn khuyến khích gìn giữ, bảo vệ và phát huy cho đời sau những di sản văn hóa có giá trị".
Bình luận (0)