Trí nhớ mỗi ngày thêm thử thách tuổi tác. Gắn cái kính trên đầu mà cứ đi tìm, vừa đứng lên định lấy cái gì đó thì không nhớ mình sẽ làm gì. Quy luật bình thường mà tạo hóa đặt cho con người nhưng cái dở hôm nay là trước mắt, cái bao tử đang lên tiếng đòi quyền được no mà ông biết trong tủ lạnh ở nhà không còn một thứ gì ngoại trừ mấy chai nước.
Lỗi do ông. Cả tháng nay ông ỷ lại vào tiệm phở Việt và nhà hàng Trung Hoa quen gần siêu thị. Ông biết nấu ăn ngon, nhưng ăn bao nhiêu đâu mà bày, mất công dọn dẹp, và lại ăn một mình riết cũng chán. Ra tiệm gặp người này người kia nói chuyện. Có cô bán hàng dáng người cao ráo, gương mặt tươi, hay nhìn ông mỉm cười thẹn thùng rồi quay đi sau những câu bông đùa của ông. Có bà chủ quán phở người Việt lâu không thấy ông đến lại hỏi nhân viên lần gần nhất có điều gì khiến ông phật ý không. Ông là khách thân thiết của tiệm hơn mười năm nay. Những lần ông đến ăn phở, câu chuyện giữa bà và ông thật vui vẻ. Bà khoe bộ móng tay sơn màu đỏ vừa mới làm, hỏi ông: "Anh thấy đẹp không?". Thường thì ông không trả lời, nhưng có lần ông lỡ buột miệng: "Thà đừng làm còn hơn", khiến bà giận ông mấy ngày. Nhưng tánh bà không để bụng mà ông là khách ruột nên bà là người bắt chuyện lại trước.
Ông quành xe vô bãi, hy vọng có một tiệm nào đó mở cửa, nhưng rồi thất vọng quay ra. Ông đi thêm một đoạn phố. Tất cả các cửa hàng im lìm lạnh tanh. Ông thật sự không nhớ hôm nay là ngày lễ; thậm chí, sáng nay ông còn dự tính sẽ mua những gì để dành ăn trong mấy ngày người ta nghỉ lễ mà ông nghĩ bắt đầu từ ngày mai. Có ai nhắc đâu mà ông nhớ.
Bao tử co bóp nhanh, rên thành tiếng kêu rột rẹt khi ông tống thêm cho nó nửa chai nước. Ông nhìn đồng hồ. Vừa đúng giờ cơm trưa. Vậy là ông sẽ phải chịu trận cái đói cho đến 9 giờ sáng mai, may ra có tiệm thực phẩm nào đó mở cửa.
Cho xe vào garage, ông uể oải mở cửa vào nhà. Cảm giác cái nhà cũng trống rỗng. Ông mở tủ lạnh, tủ bếp hy vọng mong manh có một thứ gì đó có thể cho vào bụng được. Chỉ còn mấy gói trà sen mà ông biết, cái bao tử sẽ hành hạ ông mãnh liệt nếu ông tiếp cho chúng thứ này. Thế nhưng, như một thói quen, ông nấu ấm nước pha bình trà rồi nằm dài trên sofa mở ti vi và thiu thiu lúc nào không hay.
Ông mơ thấy mình về lại Việt Nam, đang ở Sài Gòn, đi bộ trên một con đường rồi dừng lại trước một ngôi nhà kiểu xưa. Tà áo dài màu vàng chanh, tóc ngang vai và chiếc xe mini hiệu Lucia màu đỏ đang tiến ra trên lối đi. Rồi bàn tay khẽ mở chốt cổng. Ông vội quay đi. Khi ông ngoái lại, chiếc xe đạp xa dần, tà áo sau bay bay, màu vàng sáng lên nhảy múa trong nắng khiến ông chói mắt, giật mình.
Cái ti vi vẫn nói liên hồi một điều gì đó. Ông ngồi dậy rót một ly nước trà. Vẻ như cái bao tử đã dịu đi khi ông thiếp được một giấc ngắn. Ngụm nước trà làm ông tỉnh người và nhớ lại trong nhà không còn thứ gì để ăn và bụng thì đang rất đói.
Suốt buổi chiều ông nằm dài lười biếng nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Mùa thu nơi ông ở đang lúc đẹp nhất. Tàng lá đỏ buông rũ hững hờ. Mảng trời xanh lỗ chỗ, con đường hun hút màu sương. Đẹp lộng lẫy như một bức tranh. Vậy mà nhanh lắm, một tuần hay mười ngày nữa thôi, cây sẽ trơ cành. Nhiệt độ ban đêm bây giờ có lúc xuống rất thấp chênh lệch khá cao so với ban ngày; có những đêm đầu hôm thì nóng nhưng về sáng rất lạnh, lạnh vô cùng, mấy tấm chăn vẫn không đủ.
Ông vòng hai tay kê đầu. Nhớ hồi còn trẻ, mùa này ông lại đi săn, ngủ ngoài trời. Khi nhiệt độ xuống thấp nhất là lúc hết ngủ vì lạnh thấu xương. Thế là ngồi dậy đốt củi pha cà phê... Ly cà phê khi ấy mới ấm làm sao. Nấu tô mì với trứng, thêm hành lá ngon vô cùng. Nếu không nấu mì thì chiên xúc xích, thêm cái trứng gà ốp la ăn với bánh mì nướng. Trời ơi, ngon tuyệt vời!
Mùa săn nai bắt đầu từ tháng mười một đến tháng giêng năm sau. Hồi đó ông đi săn ở một căn cứ quân sự cũ, to rộng lắm bao gồm cả núi đồi rừng. Ba ngày cuối tuần họ cho dân vào săn bắn. Phải làm đơn xin phép và được chấp thuận mới có thể vào khu vực ấy và chỉ được phép săn trong vùng quy định, nếu chỉ một lần phạm luật sẽ bị cấm tiệt không cho săn bắn cả đời.
Mùa tháng mười một vác súng đi dạo rừng thu tuyệt vời. Duyên kỳ ngộ, sáng nay ông chạy xe đến một ngọn đồi có dòng suối đẹp như cảnh xưa ở rừng đồi săn nai...
Từ tháng một đến tháng hai, thời tiết vùng đồi núi nơi ấy lạnh vô cùng. Ông nhớ lại, đêm trời đen nhưng trong suốt. Lạnh ngủ không được, pha cà phê uống, ngắm dải ngân hà như một dòng sữa màu trắng bạc văng tung tóe lên bầu trời, đẹp tỉnh ngủ luôn. Lý thuyết nói rằng, dải ngân hà có độ sáng bề mặt tương đối thấp, do vậy muốn quan sát được rõ ràng, bầu trời cần phải đạt đến một độ tối nhất định. Thiên nhiên có quy luật, chỉ những đêm nào cực lạnh trời mới đen và trong.
Cả đời ông, chỉ vài đêm thời trai trẻ ấy được ngắm dải ngân hà đẹp long lanh, như một ân sủng mà tạo hóa ban cho. Hơn một phần tư thế kỷ rồi, ánh đèn thành phố sáng quá, gần quá ngàn đời không thấy được.
Lại có một lần vào đêm giao thừa tết Tây, ông cùng vài người bạn lái xe lên núi. Vào đúng đêm sáng trăng, tuyết lất phất bay. Bên đường đèo, hai hàng thông phủ đầy tuyết trắng, đẹp như cổ tích. Ánh trăng trên tuyết có màu xanh thật dịu, ôm khắp núi đồi, thật sự như một thiên đường hạ giới. Chỉ một lần như thế. Duyên phần hết, trước khi đi, cả nhóm không ai nghĩ, không ai ngờ đời mình có một đêm được hưởng lộc trời ban, chỉ riêng cái ánh sáng xanh ấy thôi là đủ cho một đời người rồi.
Trời đã chìm vào đêm bên ngoài cửa sổ. Cái bao tử dường như dịu đi khi bộ não của ông được kích hoạt nhẹ nhàng cảnh cũ người xưa.
Ông lại lan man những vùng ký ức thời trẻ ở quê nhà khi ba ông mất đi, gánh nặng dồn hết lên vai người mẹ vóc gầy với bốn đứa con tuổi ăn học. Vào cảnh túng quẫn, mẹ ông bày gánh bún riêu (khi thì canh bún) ra chợ bán đắp đổi qua ngày. Một hôm có một ông người Hoa, tướng mạo tốt tươi đi xe mobylette màu xanh, ghé vào ăn tô canh bún... Rồi ông ta đến thường xuyên hơn. Một hôm ăn xong, ông ta bắt chuyện và tự giới thiệu là một thương gia ở Chợ Lớn. Nói chuyện một lúc, ông ta bảo mẹ ông thôi đừng gánh bún đi bán nữa. Nếu không có vốn thuê tiệm thì bán ở nhà. Ông ta sẽ đổ hàng gạo, tạp hóa... cho bán, cung cấp hoàn toàn không cần tiền cọc. Khi nào bán khá lên thì bắt đầu trả góp, chỉ cần trả vốn, ông ta không lấy lời.
Đúng như lời hứa, hàng ào ạt được chở đến. Hằng tháng ông ta ghé nhà, xem xét hết cái gì, thiếu cái gì rồi cho xe chở hàng đến và thu tiền, nếu có. Nhờ vậy mà gia đình ông qua giai đoạn khó khăn, mẹ ông lại có chút vốn liếng. Sau ngày giải phóng, gia đình ông mất liên lạc với ông người Hoa. Không biết ông ta ở đâu mà tìm, còn sống hay đã chết. Mẹ ông ngừng buôn bán vì hàng hóa không còn và không có ai đến thu tiền nữa. Sau này, mẹ ông nhắc hoài với con cháu về giai đoạn nhận ơn từ một người tử tế.
Cuộc đời con người đôi khi có những may mắn nhận ơn từ người không quen như thế. Như ông có một người bạn, gia đình tiêu tan sản nghiệp trong một trận hỏa hoạn, sau đó được một người đồng hương giúp đỡ, khôi phục cơ nghiệp. Chẳng phải chuyện thần thoại hoang đường giả tưởng gì cả. Trên đời này luôn có những người thi ân bất cầu báo, làm người là phải biết ơn người giúp mình, ngày xưa mẹ ông hay nói như thế!
Ký ức của ông lại lan man nhớ về anh hàng xóm mở lớp học Anh văn miễn phí. Anh này đã mất hai mươi năm trước rồi nhưng câu chuyện về anh ta thì ông không bao giờ quên vì kiểm chứng lại ông thấy nó đúng quá, ngoài mức tưởng tượng.
Một lần hai người ngồi với nhau, anh ta nhìn ông thật lâu rồi nói những chuyện về tương lai nhưng hồi ấy ông không tin vì là hàng xóm biết nhau quá. Anh ta bảo rằng, ông sẽ không có con cái. Sẽ gặp một người phụ nữ ở xứ lạnh, trẻ đẹp nhưng không cùng văn hóa, ngôn ngữ. Hai người rất yêu nhau nhưng không thành. Anh ta còn bảo, số ông sống cô độc cả đời. Ông chẳng bao giờ tin bói toán, coi tướng, tử vi này kia nhưng nửa thế kỷ sau nghiệm lại, ông thấy vài điều quá đúng.
Chuyện cũ. Xong rồi. Qua rồi!
Lại ngày xưa, có một người thầy mà ông không bao giờ quên là thầy hiệu trưởng trường trung học. Một hôm thầy toán bị bệnh, thầy hiệu trưởng xuống lớp thông báo, tuy nhiên không phải cho học trò nghỉ tiết mà bảo cả lớp ngồi tại chỗ, lấy vở ra viết về những suy nghĩ, mơ ước, dự tính tương lai của mình.
Lũ học trò nhao nhao: "Rồi nộp cho thầy hả? Ôi, mắc cỡ chết!".
Thầy hiệu trưởng điềm đạm trả lời: "Viết xong rồi cất kín đi. Thầy sẽ không đọc của bất kỳ ai và cũng không cho ai đọc của ai. Để rồi hai, ba, bốn mươi năm sau các em hãy lấy ra đọc lại. Để làm gì? Để thấy mình đã thay đổi như thế nào".
Tuổi học trò ham ăn, ham chơi hơn ham học, mấy ai nghĩ về tương lai. Không đứa nào hiểu ý thầy hiệu trưởng... Mãi sau này khi đã lấm láp bụi đời, va vấp nhiều, thành công, thất bại ngang nhau, ông mới ngộ ra điều thầy muốn nói: Là chính bản thân mình cũng thay đổi theo thế cuộc, theo năm tháng... mà không biết!
Tự nhiên, ông bật cười thành tiếng và rồi sau đó những suy nghĩ thật ngậm ngùi hiện ra trong đầu. Một ngày lễ Tạ ơn, khi mà tất cả mọi người no đủ, có cơ hội nhớ về thời gian qua. Điểm lại đời mình ai là ân nhân, nếu không có những người ấy, mình sẽ như thế nào. Có là mình bây giờ hay không. Tuy nhiên, dù tốt hay xấu được là chính mình, sống, trải, cười, khóc... là ơn phước rồi.
Mỗi người một số phận, tôi hiện diện trên thế giới này, cuộc đời này là của tôi. Cám ơn những thứ mà cuộc đời đã cho tôi qua bao nhiêu năm tháng...
***
Hai ngày sau ông đi dự bữa tiệc họp mặt gia đình tại nhà người chị ruột. Bà gần như là người mẹ thứ hai của ông, dìu dắt các em từ thuở bé thơ cho đến khi đủ lông đủ cánh và về sau cố gắng thuyết phục các em về sống gần nhau. Thậm chí, mấy chị em trong gia đình ông đã chung nhau mua một ngọn đồi, chốn hậu sự sau này về vui với mây trời. Ngọn đồi khá đẹp, yên tĩnh, bình an. Đó là những kế hoạch mà chị ông đã từng bước hoàn thành cho gia tộc.
Những bữa tiệc đoàn tụ gia đình vào dịp lễ Tạ ơn, Giáng sinh, cuối năm, lúc nào cũng vui vẻ ồn ào, ôn cố tri tân. Trong buổi gặp mặt có một vị linh mục chánh xứ nhà thờ cách nhà ông không xa. Vị linh mục này là bạn thân của cô em gái ông từ hồi còn bé xíu ở Sài Gòn. Lúc ông vui miệng kể về một ngày lễ Tạ ơn mà đói meo, trong bụng chỉ có nước và nước trà, cả một đêm thức trắng thầm thì với cái bao tử liên hồi than rọt rẹt..., vị linh mục nhìn ông và nói:
- Sao không đến nhà xứ mà ăn. Thức ăn ngon lắm, các nhà hảo tâm không chỉ góp tiền mà còn là những đầu bếp trứ danh ở các nhà hàng lớn trong giáo xứ đến giúp nấu nướng. Mỗi năm nhà xứ tổ chức cơm từ thiện ba lần là lễ Tạ ơn, Giáng sinh và tết Tây.
Ngừng một chút, vị linh mục nói vui:
- Chà chà, để một người nằm đói meo như vậy trong ngày lễ Tạ ơn là chúng tôi có lỗi với Chúa... Sang năm nhé, cứ đến nhà xứ, đừng ngại. Có nhiều người đến chúng tôi càng thêm vui!
Bình luận (0)