Kiếm tiền triệu mỗi ngày vào mùa bội thu
Gặp Lê Quốc Vương (31 tuổi, quê ở Khánh Hòa) đang tỉ mỉ tỉa lá, uốn cành nhằm tạo thế mới cho cây xanh tại một nhà vườn ở P.An Phú Đông (Q.12, TP.HCM), Vương cho biết thời gian này nghề “cầm kéo chỉnh cây” này ăn nên làm ra. Mỗi ngày có thể kiếm... tiền triệu.
“Ở TP.HCM, ngoài các nhà vườn chuyên cung cấp cây cảnh, thì lượng người đam mê không gian xanh, yêu thích cây cảnh rất nhiều. Mà không phải ai cũng biết cách để định hình, tạo dáng cho cây. Nên những người rành nghề có… đất sống”, Vương lý giải.
Cũng theo chàng trai này, từ ngày TP.HCM không còn siết chặt giãn cách, đã mở cửa trở lại, thì hầu như ngày nào cũng có người gọi điện thoại đặt hàng, thuê Vương đến nhà chỉnh sửa cây cảnh.
Huỳnh Phú Bình (36 tuổi, quê ở Sóc Trăng) cũng là một người được giới mê cây cảnh gọi là “nghệ nhân” bởi khả năng hiểu biết am tường về cách dựng phom cho cây, có cách biến những dáng cây tưởng chừng đơn giản thành nhiều thế độc, lạ, bắt mắt...
“Thường những tháng cuối năm, mọi người thuê nhiều. Năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên mất gần nửa năm giãn cách xã hội. Cây cũng phát triển um tùm, “phá” hết thế. Thế nên giờ đây, người chơi cây cảnh có nhu cầu nhiều hơn. Có thể nói nghề chỉnh sửa cây cảnh đang vào mùa bội thu”, Bình kể.
Thu nhập của nghề này dao động từ 800.000 - 1.200.000 đồng/ngày. “Tùy mức độ khó dễ của từng loại cây, tạo thế dáng có phức tạp hay không, và tùy khả năng của mỗi thợ mà có thu nhập cao hay thấp. Nếu có sự khéo léo, cẩn thận, có sự hiểu biết nhiều về cây cảnh, làm cho chủ ưng ý thì thậm chí có ngày nhận về được cả 1.500.000 đồng”, Bình nói thêm.
Còn Vương cho biết: “Để cắt tỉa tạo tán, cắt tỉa tu bổ... cho một cây như: đa, si sanh, tùng la hán... mất khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ. Tiền công khoảng 300.000 đồng. Mỗi ngày nếu có 3, 4 người gọi để mình chạy sô là thu nhập tiền triệu. Còn nếu đến vườn cây cảnh của giới đại gia, thì thu nhập tăng đáng kể. Họ khoán luôn mỗi ngày từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng”.
Ông Lâm Tấn (nhà ở đường 5D, Q.Bình Tân, TP.HCM), người chơi cây cảnh lâu năm, cũng thừa nhận: “Bản thân ai chơi cây cảnh chỉ có thể biết chăm sóc, tưới nước, tỉa cành đơn giản. Còn việc uốn nắn sao cho cây có dáng ưng ý nhất, đạt thẩm mỹ cao nhất, từ đó sẽ có giá trị kinh tế cao... thì phải nhờ vào con mắt nhà nghề tinh thông của giới chỉnh sửa cây cảnh. Đó là lý do mà dân làm nghề chỉnh sửa cây cảnh có thu nhập cao”.
Ông Tấn cũng nói thêm: “Mà không phải lúc nào gọi điện thuê cũng được nhận lời. Vì họ (người chỉnh sửa cây cảnh - PV) rất đắt khách, được gọi thuê thường xuyên. Như tôi, phải gọi từ một tuần trước thì nay mới được thợ đến tỉa tót cây cảnh”.
Muốn làm nghề này, phải thế nào ?
Có lẽ trong các nghề thì sửa cây là một trong những nghề sử dụng ít dụng cụ nhất, chỉ 2 thứ: cưa và kéo. Và phụ kiện cho công việc tạo dáng cho cây cũng chỉ là dây nhôm, dây ni lông cùng vài thanh tre nẹp giữ dáng.
Vũ Trí Tín (27 tuổi, quê ở Quảng Trị) đang hành nghề tỉa cây cảnh tại Q.Tân Bình |
Lê Thanh |
Vũ Trí Tín (27 tuổi, quê ở Quảng Trị) đã theo nghề chỉnh sửa cây cảnh được 16 năm. Nhìn Tín say sưa tạo tầng tán cho cây tùng la hán ở nhà ông Tấn mà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự khéo léo, điêu luyện. Hỏi Tín học nghề ở đâu? Tín cười: “Là tự học”.
Bình hay Vương cũng có chung câu trả lời: “Chủ yếu là tự mày mò học lỏm thôi, chứ không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, theo Tín để những tay ngang có cơ hội theo nghề này, trở thành nghệ nhân trong nghề chăm sóc, chỉnh sửa cây, được người chơi cây cảnh tin tưởng, thì phải trải qua quá trình học hỏi kinh nghiệm rất nhiều.
“Tôi từng không biết gì. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi, xem cách các nghệ nhân tiền bối làm để học nghề từ họ nên có được như ngày hôm nay. Ngoài ra, phải tìm đọc nhiều sách về trồng, chăm sóc cây thì sẽ hình thành vốn liếng, kiến thức về cây, hiểu biết được quy luật phát triển của từng loại cây. Qua đó hỗ trợ cho nghề rất nhiều”, Tín nói.
Còn Vương cho rằng muốn làm nghề này thì cần có sự tinh tế, biết quan sát và không ngần ngại học hỏi để tăng kinh nghiệm theo thời gian. “Lúc mới làm nghề, cũng gặp tai nạn nghề nghiệp vài lần. Như tạo hình cho cây nhưng bị chê tơi tả. Hoặc có khi lỡ tay cắt mất nhánh cây, gây khó khăn trong việc uốn cây thành những thế độc đáo... Nhưng mỗi lần như thế là bài học kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Khoảng 6 năm nay, tôi không sai sót trong quá trình làm nghề nữa. Kỹ thuật và tay nghề được nâng cao hơn”, Vương kể lại.
Nguyễn Hoàng Tuyển (27 tuổi, ở Q.11, TP.HCM) làm nghề này từ năm 18 tuổi. Tuyển nói nhiều chủ nhà vườn khi giao cây để chỉnh sửa đã kiểm tra kiến thức rất nhiều. Nếu trải qua được kỳ sát hạch đó mới được tin tưởng.
“Vì thế, khi hiện nay chưa có những nơi đào tạo bài bản về nghề chỉnh sửa cây cảnh, thì hãy tìm người đi trước, xin đi làm cùng. Đồng thời hãy siêng đọc sách, lên mạng tìm đọc những kiến thức liên quan về nghề. Dành nhiều thời gian để tập tành sử dụng các trang thiết bị dụng cụ để trồng và chăm sóc cây cảnh đúng yêu cầu kỹ thuật cho đến mức nhuần nhuyễn. Sau đó hãy thực hiện việc tạo tán, dáng, thế cho các loại cây đơn giản trước khi “đụng chạm” vào những cây giá trị cao hơn”, Tuyển nói.
Tuyển cũng nói, nhờ sự cầu tiến, ham học hỏi, nên dù tuổi nghề không quá cao trong giới nghệ nhân chỉnh sửa cây cảnh, nhưng đến nay Tuyển có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách khi họ muốn tạo các dáng từ: sư tử hý cầu, lưỡng long chầu nguyệt... cho đến ngũ phúc, dáng long, phượng... dù ở bất kỳ loại cây nào. Tuyển và nhiều người khác làm nghề này kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Bình luận (0)