Chiều 4.1, đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” tổ chức bởi gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng các đơn vị tư nhân đã diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM). Đáng chú ý, sự kiện không chỉ có sự tham gia của những ca sĩ, diễn viên trẻ nổi tiếng mà còn xuất hiện đông đảo học sinh, sinh viên.
Những ca sĩ trẻ thể hiện ca khúc bằng phong cách mới. |
Thúy Vy |
“Trẻ hóa” nhạc Trịnh với... rap
Có mặt tại sự kiện từ sớm, Nguyễn Lâm Thúy Vy (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết bên cạnh không khí ấm áp của nhạc Trịnh và tiếng đàn guitar, cô đặc biệt yêu thích bản phối lại các ca khúc Biển nhớ, Hà Nội mùa thu và Huế Sài Gòn Hà Nội của nhạc sĩ Hà Lê.
“Việc sử dụng giai điệu điện tử trong nhạc Trịnh cổ điển khiến bài hát thêm phần sôi động, hợp thị hiếu người trẻ. Phần rap cũng là điểm nhấn ấn tượng giúp bài hát như có một cuộc đời mới, lạ lùng nhưng cũng thu hút”, cô giải thích.
Còn đối với Lâm Vĩnh Hồng (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), những ca sĩ nổi tiếng như Avin Lu, Hiền Thục là lý do em đến với chương trình. “Em muốn trực tiếp gặp thần tượng và lắng nghe âm nhạc của họ. Nhưng khoảnh khắc tất cả mọi người cùng hòa âm bài hát Nối vòng tay lớn khiến em sởn da gà, không thể nào quên”, nam sinh cười nói.
Đông đảo bạn trẻ đến tham dự, ghi lại những khoảnh khắc ở đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Thúy Vy |
Sở dĩ đêm nhạc có đông đảo người trẻ tham gia, theo Nguyễn Trọng Tín (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), là do nhiều bạn yêu thích dòng nhạc Trịnh hoặc dàn khách mời; số khác thì nhân dịp vui chơi tối cuối tuần nên ghé đường sách, sẵn tiện dừng chân nghe nhạc.
“Nhưng dù đã đến với lý do gì thì chúng ta đều chung một niềm tri ân đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thể hiện lòng biết ơn đến di sản âm nhạc mà ông để lại. Đối với tôi, những người trẻ hôm nay đã chọn dành thời gian đến với đêm nhạc đều đáng trân trọng”, anh nói.
Nghe chậm, sống chậm để trân trọng
Lý giải nguyên nhân “tìm về” nhạc Trịnh, Trọng Tín cho biết anh vốn dành sự yêu thích cho dòng nhạc này từ lâu vì lời bài hát cũng như giai điệu mang triết lý và ý nghĩa về cuộc đời và con người.
“Trước đây, tôi thường được nghe ba mẹ mở nhạc Trịnh từ thời danh ca Khánh Ly, Thanh Thúy. Và hôm nay, tôi rất vui vì nhạc Trịnh ngày càng được làm mới lại để phù hợp với xu hướng của giới trẻ”, anh nói.
Nhạc sĩ Hà Lê trình diễn những bản nhạc Trịnh phối lại với giai điệu điện tử |
Thúy Vy |
Yêu mến những giai điệu chậm rãi của nhạc Trịnh, Thúy Vy cho rằng nhờ đó cô có thể sống chậm lại, dành thời gian chú ý đến những điều nhỏ bé xung quanh để thêm phần trân trọng cuộc sống hơn. “Chúng giúp tôi dịu nhẹ đi bớt bộn bề”, cô chia sẻ.
Chứng kiến nườm nượp người trẻ chờ lắng nghe những bản nhạc Trịnh bất hủ, ông Nguyễn Trung Trực, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị để chuyển giao cho thế hệ trẻ, với những phong cách mới”. Đêm nhạc tuy đã kết thúc, nhưng những bản nhạc Trịnh giản dị, nhân văn sẽ vẫn mãi được tiếp nối và trường tồn theo thời gian.
Bình luận (0)