Heo đất xưa rồi, bây giờ heo than đá mới đúng thời!

23/08/2020 21:13 GMT+7

Heo than đá bóng loáng, dù không cần sơn, phủ bất cứ chất liệu gì khác. Heo đất hay heo than đá, nhìn chúng, cả trẻ em hay người lớn đều thích thú, bởi nó đánh thức những gì tươi đẹp của tuổi thơ.

Heo than đá là những “người bạn mới” trong gia đình của chị Nguyễn Thị Thanh Bình và anh Nguyễn Tuấn Quyết, trú số nhà 19, tổ 3, khu 8, P.Hồng Hà, TP.Hạ Long, Quảng Ninh. Anh chị là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm thủ công mỹ nghệ từ than đá. “Ông nội chồng tôi làm trong mỏ than Mông Dương từ thời Pháp", chị Thanh Bình kể.
"Ngày đó, những người thợ lúc nghỉ ngơi thì mang những hòn than đá xù xì ra đục, đẽo và nó bỗng hóa thành chiếc tẩu hay chiếc gạt tàn thuốc lá”, chị Bình kể tiếp. Ngày đó, chính ông nội chị cũng không ngờ, mình bắt đầu “khởi thủy” một nghề gia truyền mà con và các cháu của mình theo suốt sau đó gần trăm năm. Mười mấy năm về trước, quà tặng sang nhất người vùng mỏ gửi cho khách quý, chính là những mẫu lưu niệm được điêu khắc nguyên khối từ than đá.

Nhiều người không tin, nghĩ rằng heo than đá được ép từ than bột, nhưng thực tế nó được điêu khắc từ tảng than đá

Ảnh Nguyễn Quyết

Từ trục đường lớn Nguyễn Văn Cừ, đi một chút về phía núi sẽ tới nhà chị Bình, ngôi nhà nhỏ với tài sản quý giá nhất là “vàng đen”. Từ những tảng than đá thô sơ, xù xì dưới bày tay khéo léo, đôi mắt tinh tế của vợ chồng chị Bình, anh Quyết, những bức tranh vịnh Hạ Long, hòn Gà chọi, con thuyền đang căng buồm lộng gió lướt đi trên biển hiện ra… Con heo than đá là sản phẩm mới đây, chị Bình thử làm và không ngờ được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Nguyễn Thùy Dương, 31 tuổi, trú phố Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh, cho hay nhìn con heo than đá bạn vừa thấy dễ thương, vừa vui. "Nghề mỹ nghệ than đá là sản phẩm đặc trưng, riêng biệt của Quảng Ninh. Khi thấy hình ảnh những con heo than đá trên một diễn đàn của giới trẻ Quảng Ninh trên Facebook và được rất nhiều lượt thích, bình luận, tôi thấy được sự nỗ lực của người công nhân làm ra sản phẩm này ", chị Dương nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Hưng, 35 tuổi, trú đường Kênh Liêm, TP Hạ Long, chia sẻ: "Tôi thấy hiện nay các mẫu than đá mỹ nghệ gần gũi hơn với đời sống, nắm bắt xu hướng của giới trẻ, làm theo mẫu đặt của khách mà con heo than đá là một ví dụ... Đó là những bước đi cần thiết để những sản phẩm này tồn tại lâu dài hơn trong bối cảnh cạnh tranh hôm nay".
“Mọi người hỏi tôi có phải là dùng than bột rồi ép lại không mà làm ra con heo rất sinh động như thế? Tất cả những sản phẩm làm thủ công từ than đá của vợ chồng chúng tôi, từ hình ảnh các danh nhân, trống đồng, cảnh vật Hạ Long đều làm từ than đá nguyên tảng, được đục, đẽo bằng tay toàn bộ để tới độ bóng hay thô ráp đúng ý.
"Than đá để làm ra sản phẩm mỹ nghệ này đều phải khai thác mỏ lộ thiên. Quảng Ninh có nhiều mỏ than, nhưng chỉ có 3 mỏ cho loại than đá có thể làm các sản phẩm mĩ nghệ, đó là mỏ Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc 6”, chị Bình, người có 22 năm gắn với nghề mỹ nghệ than đá, chia sẻ.

Bức tranh biển Hạ Long từ than đá mỹ nghệ

Hòn Gà Chọi, biểu tượng của Hạ Long bằng than đá mỹ nghệ

Ảnh Nguyễn Quyết

Gia đình khắc tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 

Vợ chồng chị Bình anh Quyết là một trong những gia đình hiếm hoi ở Quảng Ninh còn giữ nghề mỹ nghệ than đá. Công việc vất vả, đòi hỏi làm việc với thời gian dài, quanh năm lem luốc bụi than khiến nhiều người trẻ ở vùng đất có nhiều ngành nghề hấp dẫn như Quảng Ninh không muốn gắn bó. Chị Bình chia sẻ, đời vợ chồng chị tâm huyết với than đá đã là đời thứ 3, những món quà lưu niệm từ than đá tới tay người khác mang trong đó bao đam mê, khao khát của con người vùng mỏ, do vậy mong mỏi lớn nhất của chị là mình có thể để lại điều gì đó cho đời sau.
 

Nhiều sản phẩm than đá mỹ nghệ khác

“Tôi từng liều lĩnh vay nợ nhiều tỉ đồng, cũng để mong có thể mở mang nhà xưởng, xây khu vực trưng bày để hấp dẫn hơn với du khách trong và ngoài nước. Trước đây khách du lịch tới thăm xưởng đông lắm, họ rất thích những sản phẩm làm thủ công, mang đậm màu sắc địa phương như than đá mỹ nghệ. Dù bây giờ các khoản nợ còn chưa trả được hết, kinh doanh gặp khó khăn vì Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn rất yêu và không thể bỏ nghề gia truyền của cha ông”, chị Bình kể.
22 năm đục, đẽo than đá, trong hành trình thăng trầm nhiều nụ cười nhưng cũng lắm gian truân, chị Bình có một câu chuyện tự hào đã kể cho bạn bè nghe rất nhiều lần. Năm 1998, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặt bố chị làm chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng than đá để tặng nhân dịp Thủ tướng xuống thăm tỉnh.

Chị Bình, người cùng chồng theo nghề mỹ nghệ than đá hơn 22 năm nay

Ảnh NVCC

Chị bồi hồi: “Đó là khoảnh khắc mà tất cả chúng tôi không quên được. Bác Kiệt rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh mình trên than đá giống như vậy. Bác tháo cặp kính trên mắt mình xuống, đeo lên bức tượng. Bác hỏi gia đình chúng tôi có nguyện vọng gì không. Bố tôi không muốn gì hơn, là được bác tặng một bộ quân phục cũ. Sau đó, bố tôi được lên thăm nhà bác, được bác tặng bộ quân phục và một chiếc bút. Đó luôn là những tài sản quý giá của cả gia đình chúng tôi, được nâng niu cất giữ kỹ tới tận bây giờ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.