Mạng lưới hợp tác nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh (TESOL Research Collaboration Network, viết tắt TERECONET) ra đời từ tháng 6.2020 và đến nay thu hút 60 thành viên là giáo viên phổ thông, giảng viên CĐ, ĐH, với 30 cá nhân hoạt động tích cực.
Đây là nhóm học thuật phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật và tinh thần cho những thầy cô “gặp khó” trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Là người sáng lập và điều hành mạng lưới, thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa giáo dục ĐH Durham (Anh) cho hay hiện có nhiều giảng viên ngành giảng dạy tiếng Anh không được đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học.
Giảng viên thảo luận bàn tròn trong một sự kiện về nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh do mạng lưới TERECONET tổ chức |
nvcc |
“Hoặc là họ tốt nghiệp thạc sĩ theo chương trình coursework (không có luận văn), hoặc chỉ viết luận văn đơn giản”, anh Vũ lý giải. Do đó, việc thực hiện những nghiên cứu độc lập (không có người hướng dẫn) và chất lượng (công bố được trên các tạp chí xếp hạng) là điều khó khăn.
Mặt khác, các trường đều có quy định “khá dễ thở” cho giảng viên, đó là có thể dạy học để bù vào thời gian nghiên cứu. Điều này dẫn đến thực trạng thầy cô chỉ nghiên cứu có hình thức hoặc không nghiên cứu. “Những ai thật sự đam mê nghiên cứu sẽ cảm thấy cô đơn và thiếu động lực”, thạc sĩ Vũ bộc bạch.
Đứng ở khía cạnh phổ thông, chuyên gia giáo dục chia sẻ khi bắt đầu chương trình phổ thông mới, giáo viên các cấp hoang mang không biết phải dạy thế nào. Đi cùng đó là những chương trình hội thảo và phát triển chuyên môn hiện có “chưa sâu sát”, được thực hiện theo kiểu các chuyên gia áp nội dung xuống mà không biết giáo viên có cần hay không.
Một trong những phiên tập huấn kỹ năng được mạng lưới tổ chức cho giáo viên phổ thông vào hè 2022 |
chụp màn hình |
“Sau khi khảo sát tâm tư và khó khăn của thầy cô, chúng tôi tổ chức những hoạt động, sự kiện và hội thảo trực tuyến nhằm phát triển chuyên môn. Bên cạnh đó, duy trì những buổi họp hằng tháng để cùng thảo luận, học hỏi thông qua những công trình mới nhất của thành viên và các vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu”, anh Vũ cho hay.
Tham gia mạng lưới từ khi mới thành lập, anh Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, Phó phòng đào tạo Trung tâm Anh ngữ Vietop, cho hay phương pháp nghiên cứu khoa học rất rắc rối nên có một hội nhóm hướng dẫn nhau, đồng thời đóng vai trò diễn đàn để tìm sự hợp tác là một tín hiệu tích cực.
“Những hội nhóm có tính học thuật cao dễ ‘chết từ trứng nước’ do phức tạp và khó duy trì sự tham gia. Nhưng nhờ có tính kỷ luật cao và sự nhiệt tình từ các thành viên, TERECONET không chỉ tạo môi trường cho giáo viên gặp gỡ, xích lại gần nhau mà còn giúp nhiều thầy cô xuất bản bài báo khoa học và chương sách quốc tế”, anh Khoa thông tin.
Chia sẻ về dự định tương lai, thạc sĩ Vũ nhìn nhận nhóm mong muốn hợp tác với các tổ chức chính quy về nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh để tiếp tục phát triển những hoạt động nghiên cứu và phát triển chuyên môn như chương trình chia sẻ về chuyện nghề giáo cho sinh viên, tập huấn phương pháp nghiên cứu khoa học cho giảng viên.
Bình luận (0)