Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?

Thanh Nam
Thanh Nam
01/09/2024 15:46 GMT+7

Trên TikTok đang lan truyền trào lưu trị mụn bằng tỏi. Nhiều thành viên làm theo, nhưng liệu có cái kết như mong muốn hay không?

Có nhiều clip về trào lưu trị mụn bằng tỏi đã và đang xuất hiện, cũng như lan truyền trên TikTok cùng nhiều mạng xã hội khác. Theo đó, không ít nhà sáng tạo nội dung đã hướng dẫn cách dùng tỏi sống chấm lên vết mụn và khẳng định rằng giúp trị khỏi mụn.

Một số TikToker nói "chắc như đinh đóng cột", rằng: "Lấy tỏi sống chấm lên chỗ mụn sẽ giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm sản xuất bã nhờn. Mụn sẽ dần hết sau vài ngày".

Cũng có nhà sáng tạo nội dung cho rằng: "Khi lấy tỏi sống chấm vào chỗ mụn sẽ giúp sưng đỏ, bảo vệ cấu trúc da. Không những vậy, quá trình làm lành da sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Chỗ mụn không để lại sẹo".

Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?- Ảnh 1.

Nhiều TikToker hướng dẫn trị mụn bằng cách dùng tỏi sống chấm lên vết mụn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Để rồi từ đây nhiều ý kiến cho rằng "phương pháp trị mụn này quá hay mà đến nay mới được biết".

Và nhiều người trẻ tự ti vì nổi mụn trên mặt đã xem những clip ấy là "chỗ dựa", quyết định làm theo để có mau chóng hết mụn.

Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?

"Mình xem clip từ ngày 24.8, cũng làm theo được một tuần. Nhưng thấy mụn vẫn còn. Mình vẫn tiếp tục thực hiện và chờ kết quả", Đặng Thị Vy Ny, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, cho biết.

Tương tự, Phạm Ngọc Bảo Khuê, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho biết bản thân và người bạn cùng phòng đã bắt chước phương pháp trị mụn này trên TikTok và chờ đợi thực hư, liệu có đúng như những gì mà các TikToker khẳng định là "hết mụn hoàn toàn" hay không.

Chị Nguyễn Bảo Châu (32 tuổi), làm việc ở 220 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết đã làm theo phương pháp trị mụn được các TikToker cho là "rất hữu hiệu" này và cho cái kết là... mặt bị sưng vù, cảm giác bị nóng rát. Sau đó phải nhanh chóng tìm đến bác sĩ da liễu.

Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?- Ảnh 2.

Cách dùng tỏi sống chấm lên vết mụn có thể gây kích ứng, bỏng rát cũng như vô tình khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Huế, Phòng khám Y học cổ truyền Phú Đức, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, có thể sử dụng tỏi để trị mụn bởi tỏi có các đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa… Đây là "mẹo dân gian", là phương pháp tự nhiên mà nhiều người đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, cách thực hiện không phải giống như các TikToker đang lan truyền.

"Cách dùng tỏi sống chấm lên vết mụn có thể gây kích ứng, bỏng rát cũng như vô tình khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn", bác sĩ Huế nói.

Phương pháp đúng, theo bác sĩ Huế, đó là xay nhuyễn tỏi, làm mặt nạ, đắp lên vị trí mặt bị mụn. Cũng có thể rửa sạch tỏi, cắt lát, đắp lên vùng bị mụn. Khoảng 15 phút, rửa mặt thật sạch. Cách này nếu làm liên tục vài ngày có thể giúp đẩy cồi nhân của mụn mà không để lại vết sẹo.

"Cũng có thể kết hợp tỏi với dầu ô liu, mật ong, lá tía tô… trong việc chữa mụn. Tuy nhiên tỏi phải được cắt ra hoặc xay nhuyễn chứ không phải để nguyên tỏi như các TikToker bày", bác sĩ Huế nói thêm.

Có nên bắt chước trào lưu trị mụn bằng tỏi trên TikTok?- Ảnh 3.

Cần cẩn thận với những hướng dẫn trị mụn bằng tỏi

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bác sĩ da liễu Nguyễn Trọng Tuấn, làm việc tại Phòng khám Bệnh viện ĐH Y dược 1, Q.10, TP.HCM, cũng cho rằng việc dùng tỏi sống chấm lên vết mụn có thể gây bỏng hóa chất, để lại vết thâm sau viêm. "Tỏi phải được nghiền nát, hoặc kết hợp pha loãng vào các hỗn hợp, chứ không thể lấy tỏi sống chấm trực tiếp. Vì như vậy sẽ gây kích ứng da. Còn những gì các TikToker nói đều không có cơ sở khoa học", bác sĩ Tuấn khẳng định.

Theo bác sĩ Tuấn, khi bị mụn, người trẻ thay vì tin tưởng những mẹo, cách mà các TikToker hướng dẫn, hoặc từ các clip trên mạng xã hội, hãy đến các cơ sở y tế để khám, điều trị bằng thuốc. Vì đó mới là cách chữa trị mụn an toàn. Ngược lại, nếu tin tuyệt đối vào các "chuyên gia da liễu" tự xưng trên TikTok, có thể vừa dẫn đến những hệ lụy cho vùng da bị mụn nói riêng, sức khỏe nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.