8 tội danh được Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình gồm: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (điều 194); vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421). Ngoài ra, còn có tội gián điệp (điều 110), tham ô tài sản (điều 353) và nhận hối lộ (điều 354).
Giải thích tại tờ trình, Bộ Công an cho biết, bộ luật Hình sự hiện hành quy định 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Nhưng thực tế cho thấy, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt này, khi xét xử tòa án cũng không áp dụng hoặc ít áp dụng hình phạt tử hình. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, mà vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.
2 lợi ích cho đấu tranh tội phạm
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, nhất là tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công tác đấu tranh tội phạm nói chung, phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói riêng.
Nhóm bị cáo hầu tòa trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
ẢNH: PHÚC BÌNH
Quy định trên sẽ khích lệ người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, lập công chuộc tội, và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Bởi lẽ, một trong những mục đích cao nhất của đấu tranh tội phạm tham nhũng là thu hồi tài sản cho nhà nước, nếu chỉ tập trung "phạt cho thật nặng" thì mục đích này sẽ gặp khó.
"Dù không nhiều, nhưng có người sẽ nảy sinh tâm lý "hy sinh đời bố củng cố đời con" hoặc "đằng nào cũng chết thì hợp tác làm gì nữa". Tức là họ chấp nhận hình phạt cao nhất thay vì hợp tác, nộp lại tài sản, để bảo đảm lợi ích cho mình hoặc cho người khác", ông Đạt phân tích.
Ngược lại, nếu không áp dụng hình phạt tử hình, người phạm tội sẽ có động lực để sửa sai. "Ai chẳng muốn sống. Lúc tham nhũng không nghĩ đến sống chết, nhưng khi bị xử lý thì mới sợ, mới thấy "tiền nhiều để làm gì". Và cách tốt nhất là hối cải, hợp tác, nộp lại tiền", ông nói.
Việc "chừa đường sống" cũng thúc đẩy người phạm tội bằng mọi giá nộp lại tài sản để được giảm án, bản thân không đủ thì huy động gia đình, dòng họ, bạn bè... Thậm chí, khi đã nhận ra lỗi lầm, họ còn có thể lập công bằng việc khai ra các tình tiết khác, giúp xử lý vụ án một cách triệt để.
Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ
Bỏ hình phạt tử hình còn giúp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đấu tranh tội phạm. Theo ông Đạt, PCTN không chỉ là nhiệm vụ riêng lẻ của một quốc gia, mà đòi hỏi nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế. Xu thế chung hiện nay là giảm hoặc bỏ hình phạt tử hình, nhất là tội phạm về kinh tế. Do đó, đề xuất như dự thảo là phù hợp, giúp VN có thêm "điểm chung" với thế giới, thuận lợi hơn cho quá trình phối hợp với quốc gia khác.
Đồng quan điểm, luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng LS Kết nối, Đoàn LS TP.Hà Nội, dẫn chứng "thực tiễn xét xử 5 - 10 năm nay rất hiếm có vụ án tham ô, nhận hối lộ nào mà người phạm tội bị tuyên án tử hình".
Trước đây, kiểm soát tài sản còn hạn chế nên hình phạt được coi là biện pháp tốt nhất để tạo sự răn đe. Nhưng hiện nay, công tác này đã tốt hơn rất nhiều, hình phạt không còn là biện pháp duy nhất, cũng không phải là mục tiêu cao nhất trong đấu tranh tội phạm hình sự. LS cho rằng việc ưu tiên thu hồi tài sản bất hợp pháp, giảm phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là sự thay đổi phù hợp với thực tiễn và xu thế chung.
Số điều luật quy định tử hình ngày càng giảm
Tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự VN, nhằm tước đi quyền sống của người bị kết án. Bộ luật Hình sự trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung dần thu hẹp phạm vi tội danh bị áp dụng hình phạt này. Trong đó, bộ luật Hình sự năm 1985 có 44 điều luật quy định về hình phạt tử hình, bộ luật Hình sự năm 1999 giảm xuống 29 điều luật, bộ luật Hình sự năm 2009 còn 22 điều luật, đến bộ luật Hình sự năm 2015 (đang có hiệu lực) giảm còn 18 điều luật.
Tội phạm tham nhũng có "nhờn luật"?
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án họ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng hướng dẫn trong quá trình tố tụng, nếu người phạm tội có tình tiết nêu trên thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người đó bị truy tố, xét xử.
Như vậy, hình phạt tử hình không chỉ thể hiện sự răn đe, mà còn là "động lực" để người phạm tội nộp lại tài sản bất chính. Nếu bãi bỏ, liệu người phạm tội có nảy sinh tâm lý "nhờn luật", công tác thu hồi tài sản bị ảnh hưởng?
Ông Phạm Trọng Đạt cho rằng sự nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị phát hiện, xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, "chứ không phải tử hình hoặc bỏ tù cho thật nhiều". Hơn thế, dù bãi bỏ hình phạt tử hình nhưng người phạm một trong 8 tội danh vẫn phải đối mặt với hình phạt chung thân không xét giảm án. "Hình phạt mới cũng rất nặng nề, nghiêm minh, không cần lo lắng người phạm tội nhờn luật", ông nói.
Phân tích các vụ án tham nhũng thời gian qua, LS Nguyễn Ngọc Hùng cho hay, những người phạm tội tham ô, nhận hối lộ đều là đối tượng "có chức, có quyền, có cuộc sống khá giả". Đối với họ, "bị khởi tố, bắt giam đã là mất sạch; uy tín, danh dự, chức tước đều mất hết; không cần tử hình mà tuyên án tù cũng là rất kinh khủng rồi".
Chưa kể, trong phần lớn các vụ án, người bị cáo buộc phạm tội đều chủ động nộp lại toàn bộ, thậm chí nộp thừa số tiền hưởng lợi bất chính ngay từ giai đoạn điều tra, hoặc cố gắng nộp cho đủ khi hầu tòa. Điển hình như trường hợp cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, sau khi bị khởi tố đã nộp thừa nhiều tỉ đồng so với số tiền đã nhận hối lộ của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn. "Hiệu quả thu hồi tài sản hiện nay rất tốt, không cần thiết duy trì hình phạt tử hình để tạo sức ép nữa", LS Hùng nêu quan điểm.
Song, để việc bãi bỏ hình phạt tử hình không ảnh hưởng tới hiệu quả đấu tranh tội phạm, LS Hùng kiến nghị cần nâng mức hình phạt đối với 8 tội danh được đề xuất, nhất là tham ô và nhận hối lộ; đẩy mạnh cơ chế thu hồi tài sản, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì có thể tịch thu ngay; đồng thời nâng điều kiện về giảm án, chỉ xem xét khi người phạm tội đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Ông Phạm Trọng Đạt thì đề nghị nghiên cứu bỏ quy định về việc nộp lại 3/4 tài sản, thay vào đó yêu cầu người phạm tội tham nhũng phải nộp lại "tối đa hoặc toàn bộ". "Nếu nói 3/4 thì số tiền bất chính còn lại đi đâu, nếu thất thoát vì khách quan thì có thể xem xét, nhưng nếu ăn tiêu, tẩu tán… thì không thể chấp nhận", ông lưu ý.
Đồng thời, bãi bỏ hình phạt tử hình là sự thay đổi lớn trong chính sách pháp luật hình sự, ông Đạt cho rằng cần có tổng kết, đánh giá, tuyên truyền để người dân hiểu đúng, trúng vấn đề.
Ung thư giai đoạn cuối sẽ không bị tử hình
Bộ Công an đề xuất mở rộng phạm vi không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, và người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, tiên lượng xấu.
Theo cơ quan soạn thảo, những căn bệnh này như một bản án tử hình đối với người bị kết án. Việc tạm giam kết hợp điều trị tích cực để chờ thi hành án đối với họ không còn phù hợp.
Bộ Công an còn đề xuất khi hết thời hiệu thi hành bản án tử hình (20 năm), người bị kết án tử hình được chuyển xuống hình phạt tù chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.
Bình luận (12)
Đề nghị không bỏ. Họ biết phạm tội này là chết mà vẫn không sợ, huống gì bỏ thì càng không sợ, tôi nghĩ vậy.
Hành vi tham nhũng là cướp của công. So với cướp cạn, cướp của công cần đưa lên cấp nguy hiểm hàng đầu. Có cách gì ngăn chặn ngay từ đầu không?
Theo tôi, không nên bỏ án tử hình đối với tội tham ô và nhận hối lộ...