Có nên căn cứ điểm thi học kỳ làm áp lực tuyển sinh lớp 10?

18/02/2024 15:02 GMT+7

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 của TP.HCM dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6.2024. Để có một 'vé' an toàn vào các trường THPT công lập, nhiều học sinh đã cân nhắc đặt nguyện vọng dựa vào kết quả thi học kỳ.

Chênh lệch 1-2 điểm so với điểm thi tuyển sinh lớp 10

Theo khảo sát một số học sinh trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, đa số cho rằng điểm thi tuyển sinh 10 sẽ thấp hơn 1-2 điểm so với điểm thi học kỳ hoặc điểm kiểm tra thường xuyên trong lớp.

Bảo Thy (lớp 10, Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.8, TP.HCM) cho biết, khi học lớp 9 điểm trung bình 3 môn chính (toán, ngữ văn, tiếng Anh) chưa bao giờ dưới 8 nhưng khi thi tuyển sinh 10 chỉ đạt 6,5 cho ngữ văn và 7,8 cho tiếng Anh. "Riêng môn toán em chỉ đạt điểm 5 dù ở lớp thường xuyên dao động từ 7,5-9 điểm", Thy cho hay.

Còn T.N (học sinh lớp 10, Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM) chia sẻ, bản thân thường duy trì điểm 3 môn chính trên 6 nhưng khi thi tuyển sinh lớp 10 bị dưới điểm trung bình. Trong đó, môn tiếng Anh và toán thấp hơn gần 2 điểm so với điểm trong lớp, còn môn ngữ văn vẫn giữ vững phong độ.

Có nên căn cứ điểm thi học kỳ làm áp lực tuyển sinh lớp 10?- Ảnh 1.

Học sinh bày tỏ lo lắng và cân nhắc đặt nguyện vọng dựa trên kết quả học kỳ 1 trên mạng xã hội

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Chạy nước rút và quyết tâm ở học kỳ 2

Sau tết là học sinh bước vào giai đoạn tập trung quan trọng của học kỳ 2, chuẩn bị ôn thi và đăng ký nguyện vọng lớp 10. Trước sự chênh lệch giữa điểm học kỳ và điểm tuyển sinh, một số thí sinh năm nay bày tỏ sự lo lắng dù kết quả thi học kỳ 1 đạt mức khá.

Có tổng điểm 3 môn chính học kỳ 1 là 20,25 nhưng Mai Hiền (lớp 9, Trường THCS Hồ Văn Long, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, vẫn chưa tự tin vì điểm này chỉ đánh giá năng lực ở trường.

Còn Minh Thy (lớp 9, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10, TP.HCM) nghĩ rằng nên trừ 2 điểm cho mỗi môn hoặc trừ 2 điểm trên tổng 3 môn chính để căn cứ và cố gắng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nữ sinh chia sẻ, bản thân có nguyện vọng 1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) và quyết tâm cải thiện môn tiếng Anh khi chỉ còn 4 tháng để ôn luyện.

Bất ngờ vì điểm thi học kỳ 1 thấp hơn so với năng lực thường ngày, Quỳnh An (lớp 9, Trường THCS Quang Trung, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay, việc căn cứ vào điểm thi học kỳ để quyết định nguyện vọng chỉ là một phần, cần xem xét thêm nhiều yếu tố khác. "Em sẽ cố gắng ở học kỳ 2, hoặc trong quá trình học nếu cảm thấy năng lực bản thân không đáp ứng thì sẽ cân nhắc đổi nguyện vọng phù hợp. Hiện em vẫn giữ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Công Trứ, Q.Gò Vấp, TP.HCM", An nêu ý kiến.

Phổ điểm lệch từ 1-3, căn cứ điểm học kỳ 2 và cả quá trình

Trước thực trạng một số học sinh lo lắng, thậm chí dự định từ bỏ nguyện vọng khi kết quả thi học kỳ 1 vừa qua không như mong đợi, thầy Trần Vũ Phi Bằng, giáo viên Trường THCS Phước Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định, việc căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ, nhất là kiểm tra cuối kỳ để chọn trường khi thi tuyển sinh lớp 10 là có cơ sở nhưng thực tế rất khác.

"Đề kiểm tra định kỳ do trường tự ra nên mức độ khó không thể tương xứng với đề tuyển sinh và thời gian làm bài cũng chỉ bằng 2/3 và yêu cầu cũng ít hơn. Sự chênh lệch điểm giữa tuyển sinh lớp 10 và định kỳ sẽ xảy ra rất rõ với nhóm học sinh trung bình và trung bình khá, phổ điểm lệch từ 1-3", thầy Phi Bằng cho hay.

Do đó, theo thầy Bằng, điểm thi định kỳ chỉ đóng vai trò đánh giá các em trong học kỳ đó. Học sinh nên dựa vào khả năng, kiến thức nền hay điểm cuối kỳ 2 để nhận định năng lực, có cơ sở ban đầu trong việc chọn trường.

Có nên căn cứ điểm thi học kỳ làm áp lực tuyển sinh lớp 10?- Ảnh 2.

Giáo viên hướng dẫn phụ huynh học sinh đăng ký nguyện vọng lớp 10

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hùng, giáo viên Trung tâm SunClass (TP.Đà Nẵng), chia sẻ điểm thi học kỳ 1 vừa qua chưa đủ căn cứ để đánh giá hoàn toàn năng lực của học sinh và khả năng trúng tuyển vào các trường THPT.

"Một số em có học lực tốt nhưng khi thi thiếu kinh nghiệm và chủ quan. Thay vào đó, học sinh có thể căn cứ điểm số cả quá trình học tập, điểm thi học kỳ 2 hoặc kết quả các lần thi thử đã luyện tập theo thời gian. Học sinh cũng cần tham khảo điểm xét tuyển năm trước của các trường phù hợp với năng lực để chọn nguyện vọng đúng đắn", thầy Hùng khuyên.

Từ thực tế trong quá trình giảng dạy, thầy Hùng lưu ý, với môn toán, học sinh thường mất điểm do sai sót đáp số và lập luận thiếu ý, không chặt chẽ. "Các em nên có kết luận về đáp số, kiểm tra và nhận định kết quả liệu có hợp lý với đề bài, tránh vội vã, mất điểm đáng tiếc. Giáo viên sẽ chấm cả kiến thức lẫn kỹ năng nên học sinh cần trình bày cẩn thận, 'nhặt điểm' từng ý một để đạt kết quả cao nhất", thạc sĩ Hùng đúc kết.

Ngoài ra, thầy Bằng cũng nhắn nhủ học sinh khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 nên cân nhắc yếu tố năng lực lên hàng đầu. "Các em nên xem xét khoảng cách từ nhà đến trường cho hợp lý. Nếu năng lực học sinh có thể vào trường top 1 nhưng quá xa, học sinh lại không thể tự đi lại thì nên chọn trường top 2 gần nhà", thầy Bằng khuyên.

Bí quyết làm tốt môn toán tuyển sinh lớp 10

Nhận thấy đa số học sinh gặp khó khăn ở câu c phần hình học và câu toán thực tế ở mức vận dụng cao, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hùng khuyên các em cần gắn việc học với giải quyết các vấn đề thực tiễn, tránh học vẹt. "Qua kết quả giải đề, các em ghi chép sai sót vào sổ riêng, rút kinh nghiệm và luyện tập kỹ chuyên đề phần kiến thức đó. Học sinh cũng tránh làm nháp quá nhiều vì khi chép vào giấy thi chính thức dễ nhầm lẫn và mất tập trung", thạc sĩ Hùng cho hay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.