Có nên công nhận chuyển giới ?

11/06/2015 06:24 GMT+7

Tại phiên họp tổ sáng qua (10.6), các ĐBQH đã tranh luận về nhiều điều khoản mới của dự án bộ luật Dân sự (sửa đổi) như các quy định về quyền chuyển đổi giới tính , việc đặt tên của công dân, xử lý tranh chấp tài sản hộ gia đình...

Tại phiên họp tổ sáng qua (10.6), các ĐBQH đã tranh luận về nhiều điều khoản mới của dự án bộ luật Dân sự (sửa đổi) như các quy định về quyền chuyển đổi giới tính, việc đặt tên của công dân, xử lý tranh chấp tài sản hộ gia đình... 
Lâm Chí Khanh, ca sĩ chuyển giới khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật nhưng vẫn chưa xác định lại giới tính - Ảnh: nhân vật cung cấpLâm Chí Khanh, ca sĩ chuyển giới khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật nhưng vẫn chưa xác định lại giới tính - Ảnh: nhân vật cung cấp
Theo dự án bộ luật Dân sự (BLDS), nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng trong trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng “quy định như vậy sẽ không có một chế định cụ thể gì”.
Còn theo ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), mọi người dân đều được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, nếu pháp luật không quy định với đối tượng chuyển giới thì sẽ gây phức tạp cho xã hội. “Theo tôi, cần sửa cả luật Hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới để thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành”, ĐB Thủy nói.
ĐB Nguyễn Sơn (Phó chánh án TAND tối cao) cho rằng: “Theo tôi, người ta sinh ra đã không hoàn hảo, bị thiệt thòi, nên cứ để cho họ chuyển đổi giới tính. Đó cũng là sự nhân đạo”.
Dưới góc độ chuyên môn ngành y, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội), nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Saint Paul, nói: “Nhu cầu chuyển đổi giới tính hiện nay có nhiều nhưng do VN chưa cho phép nên nhiều cá nhân phải đi nước ngoài làm, khi về thì không được thừa nhận, dẫn đến khó khăn trong việc làm các loại giấy tờ”. ĐB Nhi bày tỏ đồng tình việc nhà nước tuy không thừa nhận chuyển đổi giới tính nhưng phải tạo điều kiện cho họ thay đổi các loại giấy tờ liên quan đến quyền nhân thân.
“Vấn đề chỉ là có cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở VN hay không để thuận lợi cho người dân. Điều này nhạy cảm nên cần thận trọng. Cho chuyển giới ở VN, chi phí có thể rẻ hơn, nhưng nếu không quy định chặt chẽ có thể có một trào lưu, hệ quả rất lớn. Vì thế, trước mắt tán thành với dự thảo, tức là chưa thừa nhận nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi về quyền nhân thân cho những đối tượng đã chuyển giới”, ĐB Nhi phân tích.
Theo ĐB Đinh Thị Bạch Mai (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM), những người có giới tính lạ là chuyện thân phận, quyền con người nên mặc dù chỉ là số ít nhưng cũng cần có quy định của pháp luật để bảo vệ. Việc chuyển giới nên có những quy định phù hợp để tránh phá vỡ truyền thống hoặc gây xáo trộn xã hội; có nghiên cứu thấu đáo để giúp những người có số phận đặc biệt.
“Nên xem xét quyền xác định lại giới tính nhưng phải có quy định rõ ràng, như có thời gian theo dõi, có bác sĩ tâm lý chuyên ngành tư vấn. Đây là vấn đề nhân văn của xã hội, nếu mình thấy khó mà không nghiên cứu sẽ rất tội nghiệp cho họ”, ĐB Mai nói.
Đặt tên dài, ngắn là quyền công dân
Thảo luận về điều 26: “Tên của công dân VN và người không quốc tịch thường trú tại VN phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của VN; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng “cần xem xét lại”.
“Đặt quá 25 chữ cái không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, cuộc sống, xã hội. Trong cuộc sống rất ít gặp trường hợp tên quá dài nên nếu đưa quy định như vậy vào trong luật thì Ban soạn thảo phải giải thích vì sao? Giải thích để người dân hiểu, nếu đặt tên như vậy sẽ gặp khó khăn như thế nào đó trong cuộc sống để người dân hiểu thôi chứ không nên ghi vào trong luật”, ĐB Hoàng đề nghị.
Về quy định quyền thay đổi tên (điều 28): “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp sau đây: a) Đối với người dưới 14 tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế...”, ĐB Hoàng cho rằng nên quy định thống nhất chung phù hợp hơn chứ không nên mở rộng như vậy, vì một người có rất nhiều mối quan hệ, sổ sách, hồ sơ. “Nếu không hạn chế việc đổi tên sẽ gây rất nhiều khó khăn, đề nghị không nên đưa vào luật”, ông Hoàng nói.
Lãi suất nào cho các quan hệ vay mượn ?
Theo ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre), hiện việc giải quyết các tranh chấp dân sự về hợp đồng cho vay rất phức tạp, chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án dân sự. Các tòa dân sự cũng lúng túng. Quan trọng nhất là quy định về lãi suất cơ bản (LSCB). Luật hiện hành quy định lãi suất cho vay theo thỏa thuận cũng không được vượt quá 150% LSCB do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Nhưng thực tế, dù luật NHNN, luật các tổ chức tín dụng có quy định NHNN công bố LSCB nhưng từ năm 2009 đến nay các ngân hàng thương mại thực hiện theo cơ chế mở, không công bố LSCB nữa mà thả nổi để điều chỉnh theo thị trường. Hai luật trên tuy có ghi LSCB nhưng trên thực tế không thực hiện. Cho nên thực tế, tòa án không có căn cứ về LSCB. “Cần phải căn cứ điều kiện thực tế của ngân hàng, nếu ngân hàng không quy định LSCB thì nên ấn định lãi suất trung bình trong một giai đoạn để các quan hệ vay mượn lấy đó làm cơ sở. Nhưng không được lấy quá 2,5 hay 3%/tháng. Nếu vượt mức đó là cho vay nặng lãi. Nếu có tranh chấp mà lãi suất trên mức đó thì cơ quan nhà nước không chấp nhận”, ĐB Bình đề xuất.
Nan giải phân xử tài sản hộ gia đình
Nhiều ĐB có ý kiến về những quy định mới trong dự thảo BLDS về tài sản hộ gia đình. ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nói: “Có những gia đình, cô con dâu vừa mới về nhà chồng nhưng đã đòi quyền tài sản của gia đình nhà chồng. Đây là một thực tế bất cập mà BLDS hiện hành chưa giải quyết được”. ĐB Nguyễn Sơn (Phó chánh án TAND tối cao) nhận xét: “Tài sản chung của hộ gia đình là vấn đề rất nan giải, vì ngay trong các quy định pháp luật cũng chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc phân xử của tòa án. Chẳng hạn, với tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, có quan điểm cho rằng phải có văn bản hợp nhất tài sản chung, nếu không có thì đương nhiên là tài sản riêng. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng không cần phải có văn bản hợp nhất, vì đã là vợ chồng thì đương nhiên phải là tài sản chung”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.