'Không quy định về chuyển giới sẽ gây phức tạp xã hội'

(TNO) Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về có nên luật hóa việc chuyển giới hay không tại phiên thảo luận tổ của các đoàn Đại biểu Quốc hội sáng nay 10.6 về dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi).

(TNO) Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về có nên luật hóa việc chuyển giới hay không tại phiên thảo luận tổ của các đoàn Đại biểu Quốc hội sáng nay 10.6 về dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi).

y-nhiĐại biểu Phạm Thị Ý Nhi: "Phải tạo điều kiện cho những người chuyển giới được thay đổi các loại giấy tờ liên quan đến quyền nhân thân" - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo dự thảo bộ luật này, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng trong trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác.
Góp ý về nội dung trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhận xét, quy định như vậy sẽ không có một chế định cụ thể gì. Trong khi đại biểu Nguyễn Xuân Thuỷ (Phú Thọ) thì cho rằng: "Mọi người dân đều được bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, nếu pháp luật không quy định với đối tượng chuyển giới thì sẽ gây phức tạp xã hội".
“Theo tôi, cần sửa cả luật Hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới để thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành”, ông Thủy nói.
Góp ý từ tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Sơn cho rằng, hiện nay luật đang chưa thống nhất, có luật không công nhận, có luật lại cho cải chính hộ tịch đối với người chuyển giới, gây mâu thuẫn nhau. “Vì người ta sinh ra đã không hoàn hảo là những người bị thiệt thòi, nên cứ để cho họ chuyển đổi giới tính. Đó cũng là sự nhân đạo”, đại biểu Sơn bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho rằng, những người có giới tính lạ là chuyện thân phận, quyền con người nên mặc dù chỉ là số ít nhưng cũng cần có quy định của pháp luật để bảo vệ.
“Nên suy nghĩ thiết kế quyền xác định lại giới tính nhưng phải có quy định rõ ràng như có thời gian theo dõi, có bác sĩ tâm lý chuyên ngành tư vấn. Đây là vấn đề nhân văn của xã hội, nếu mình thấy khó mà không nghiên cứu sẽ rất tội nghiệp cho họ”, bà Mai đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội), nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Saint Paul phân tích: “Nhu cầu chuyển đổi giới tính hiện nay là có nhiều nhưng do Việt Nam chưa cho phép nên nhiều cá nhân phải đi nước ngoài làm, về thì không được thừa nhận nên khó khăn trong việc làm các loại giấy tờ”.
Tuy đồng tình việc Nhà nước không thừa nhận chuyển đối giới tính nhưng theo bà Nhi, phải tạo điều kiện cho những người chuyển giới được thay đổi các loại giấy tờ liên quan đến quyền nhân thân. “Vấn đề chỉ là có cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hay không để thuận lợi cho người dân. Điều này nhạy cảm nên cần thận trọng”, bà Nhi phát biểu.
Nếu pháp luật mà hiểu sao cũng được thì nguy hiểm quá!
Vấn đề khác nhiều đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận là phải lấp các lỗ hổng về pháp lý trong giải quyết các quan hệ dân sự ở bộ luật sửa đổi lần này. Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương, “dự thảo có quy định việc “áp dụng tương tự pháp luật, lẽ công bằng” trong xét xử. Tuy nhiên, theo ông Đương nếu chỉ quy định chung chung như vậy sẽ khó bảo đảm khách quan, công bằng trên thực tế.
Vẫn theo ông Đương, trước đây pháp luật chưa đầy đủ, thẩm phán phán quyết dựa vào lương tâm, đạo đức tình cảm…, nhưng giờ có pháp luật mà vẫn xử sai nên nếu bộ luật Dân sự không quy định chặt chẽ sẽ tạo ra nhiều vấn đề phức tạp, trong khi án dân sự là phức tạp nhất và khiếu kiện nhiều nhất. “Người dân trông chờ phán quyết của công quyền nhưng phán quyết đó dựa trên nền tảng pháp lý nào, bản thân chúng tôi chưa hình dung ra”, đại biểu Đương nói.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM Võ Thị Dung nói thêm: "Thực tế cho thấy, có nhiều vụ án dân sự kéo dài hàng chục năm mà không giải quyết nổi, thậm chí mỗi tòa, mỗi cấp xử khác nhau".
Bà Dung dẫn ví dụ một vụ việc tại quận Bình Tân (TP.HCM) 4 lần xử với 4 quyết định trái ngược nhau hoàn toàn và đặt vấn đề: “Có phải do pháp luật chưa đầy đủ nên mỗi cấp, mỗi toà vận dụng khác nhau? Nếu pháp luật mà hiểu sao cũng được như thế nguy hiểm quá!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.