(TNO) Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định việc đặt tên không được vượt quá 25 chữ cái, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ, tên phải thuần Việt..., song cơ quan thẩm tra dự luật là Ủy ban Pháp luật cho rằng việc hạn chế đặt tên chỉ có thể thực hiện trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Quốc hội ngừng phiên làm việc sáng vào 9 giờ 20, ảnh chụp màn hình - Ảnh: Trường Sơn
|
Sáng nay 9.6, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Báo cáo trước Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự luật đã bổ sung quy định “tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam”.
Quy định này cũng bắt buộc không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái.
Ông Hà Hùng Cường giải thích việc đặt họ, tên tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này.
Bộ trưởng Tư pháp dẫn chứng thêm: thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ như quá dài hoặc không thuần Việt mà cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải đăng ký, không có lý do để từ chối.
Trình báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết cơ quan thẩm tra tán thành quy định hạn chế việc đặt tên “trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự”, vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định tên phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự..., vì theo ông Lý giải thích, quy định này là không cần thiết.
“Hơn nữa, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ những nội dung này để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân”, đại diện cơ quan thẩm tra dự luật nói.
Đề xuất không thừa nhận chuyển đổi giới tính
Dự luật quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác..”, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh.
Ông Lý đưa ra ví dụ như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...
Theo Ủy ban Pháp luật, dự thảo luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã
chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
“Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này”, cơ quan thẩm tra đề nghị.
Không ai thảo luận, Quốc hội nghỉ họp sớm
Theo chương trình dự kiến sáng 9.6, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chương trình làm luật năm 2016 và nghe các báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), QH sẽ dành thời gian còn lại của buổi sáng để thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Tuy nhiên, sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đọc xong tờ trình xin ý kiến, người điều hành phiên họp là Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết do không có ĐBQH nào đăng ký phát biểu nên QH kết thúc chương trình làm việc sáng 9.6.
|
Bình luận (0)