Pacific Airlines được thành lập năm 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Dù từng được sở hữu cổ phần bởi cổ đông Úc là hãng hàng không Qantas, song Pacific Airlines (tên trước đó là Jetstar Pacific Airlines) liên tục kinh doanh khó khăn và thua lỗ.
Đặc biệt không thể cạnh tranh thị phần giá rẻ, nhất là khi hãng hàng không Vietjet Air chính thức hoạt động từ năm 2011 và nhanh chóng mở rộng quy mô.
Điểm sáng hiếm hoi giai đoạn 2018 - 2019 khi hãng có lãi hơn 30 tỉ đồng/năm, song phần lớn là thua lỗ, đặc biệt lỗ nặng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2020, Pacific Airlines lỗ lũy kế 2.143 tỉ đồng, năm 2021 lỗ hơn 2.308 tỉ đồng và năm 2022 lỗ 2.096 tỉ đồng.
Sau khi Qantas thoái vốn khỏi JPA và nhận lại toàn bộ cổ phần của Qantas vào năm 2022, Vietnam Airlines sở hữu trên 98,8% tại Pacific Airlines. Pacific Airlines hoạt động trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines Group, từ định hướng về chiến lược “thương hiệu kép”, bộ máy lãnh đạo tới phương thức hoạt động hợp tác liên danh (codeshare - khách hàng mua vé máy bay của VNA nhưng sẽ bay bằng máy bay của Pacific) để tận dụng và khai thác mạng lưới hành khách chung.
Tuy nhiên, với quy mô đội máy bay rất ít, mạng đường bay hạn chế, Pacific Airlines vẫn chưa thể bật lên mà trong trạng thái càng kinh doanh càng lỗ. Kết quả kinh doanh thua lỗ của Pacific Airlines và K6 (hãng hàng không có cổ phần của Vietnam Airlines là Cambodia Angkor Air) là lý do một phần khiến Vietnam Airlines lỗ lớn. Năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế ở mức hơn 11.000 tỉ đồng. Đây cũng là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của hãng hàng không này.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết đã triển khai nhiều biện pháp duy trì hoạt động và tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.
Mới nhất, tính tới ngày 18.3, Pacific Airlines không còn máy bay nào sau khi phải trả hết cho các chủ cho thuê. Đại diện hãng cho biết điều này nằm trong quá trình “tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để tăng hiệu quả hoạt động".
Theo lộ trình tái cấu trúc, hãng hàng không giá rẻ này sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực, theo đó dự kiến sẽ thuê 3 tàu của Vietnam Airlines. Điều này nhằm giúp hãng duy trì giấy phép AOC. VNA cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Pacific về dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách (như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất).
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, những động thái này phản ánh khó khăn trong kinh doanh của Pacific nhiều hơn là nỗ lực tái cơ cấu. Điều này khiến quá trình tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để thoái bớt cổ phần tại Pacific Airlines của VNA tới đây sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
“Gánh nặng” Pacific Airlines sẽ khiến hoạt động kinh doanh chung của Vietnam Airlines Group càng khó khăn thêm. Đơn cử, việc hỗ trợ cho hãng này thuê lại máy bay để duy trì hoạt động cũng khiến VNA giảm nguồn lực khai thác, càng khó khăn hơn trong bối cảnh quy mô đội tàu bay đang giảm mạnh bởi nhiều lý do.
Hàng không quốc tế thực hiện phá sản ra sao?
Bản thân Pacific Airlines cũng đã trải qua 2 lần tái cơ cấu lớn nhưng chưa thành công. Năm 2007 khi Qantas mua lại 30% cổ phần của hãng để trở thành cổ đông chiến lược, đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines với chiến lược phát triển hàng không giá rẻ.
Năm 2012, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuyển giao toàn bộ phần vốn nhà nước (68%) cho Vietnam Airlines. Sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn của Jetstar Pacific, cũng đã bắt tay cải tổ lại bộ máy, đội tàu bay, mạng đường bay… và đổi lại về tên ban đầu khi tiếp nhận lại 30% cổ phần từ Qantas.
Nhưng những nỗ lực để vực dậy Pacific Airlines đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là có nên để Pacific Airlines phá sản hoặc sáp nhập hoàn toàn vào Vietnam Airlines, không hoạt động dưới hình thức công ty thành viên như hiện nay?
Với tỷ lệ vốn nhà nước chiếm gần như tuyệt đối, việc cho phá sản Pacific Airlines gặp nhiều e ngại cũng như vướng nhiều quy định. Song bài học từ việc nộp đơn phá sản với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới cho thấy, đây là bước đi hiệu quả để tái cơ cấu về thực chất thay vì nửa vời và không thể cầm cự được các khoản nợ.
Đầu tháng 9.2021, Philippines Airlines - hãng hàng không lâu đời nhất châu Á đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Được xử lý theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ đã giúp hãng cắt giảm nợ ít nhất 2 tỉ USD và nhận được 655 triệu USD vốn mới. Hãng này sau đó đã tiếp tục các chiến dịch kinh doanh như bình thường trong khi hoàn tất việc tái cơ cấu tổ chức, mạng đường bay và đội bay.
Pacific Airlines thành lập tháng 6.1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Trong đó, Cục Hàng không dân dụng và 4 doanh nghiệp thành viên nắm 86,5% cổ phần, Saigon Tourist nắm 13% cổ phần và Tradevico nắm 0,5% cổ phần. Tới năm 1993, Cục Hàng không dân dụng chuyển giao cổ phần sang cho Vietnam Airlines (VNA) nắm giữ. Năm 2006, Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC tiếp quản phần vốn của VNA tại Pacific Airlines.
Năm 2007, Tập đoàn hàng không Úc là Qantas mua lại cổ phần của Pacific the nhiều đợt và đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines (JPA), hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam. Thời điểm đó, SCIC nắm 75,8% cổ phần, Qantas Airways nắm 18% và Saigon Tourist nắm 6,2%.
Năm 2012, SCIC lại chuyển giao cổ phần của JPA về lại VNA tiếp quản, với cơ cấu vốn 69,96%, cổ phần của Qantas tăng lên 27% và Saigon Tourist nắm 3%. Tới 2017, quá trình mua cổ phần của Qantas hoàn tất, nắm cổ phần chi phối 30%, VNA nắm 68,85% và 1,15% là cổ đông khác.
Năm 2020, Qantas thoái vốn tại JPA cho VNA, sau nhiều năm VNA hoàn tất nhận lại cổ phần từ Qantas và tăng số cổ phần tại JPA lên 98,85%. Hãng cũng đổi lại tên JPA về lại tên ban đầu là Pacific Airlines và thực hiện hàng loạt biện pháp tái cơ cấu.
Bình luận (0)