Có nên độc canh cây keo ?

21/02/2014 09:28 GMT+7

Với giá 60 đến 70 triệu/ ha keo giấy nguyên liệu 5 năm tuổi đã khiến nông dân huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đổ xô vào trồng keo mong đổi đời. Tuy nhiên với những hộ nghèo và cận nghèo có quĩ đất sản xuất ít, thu nhập hạn hẹp mà chọn độc canh cây keo được xem là một sự mạo hiểm bởi họ phải thắt lưng buộc bụng chờ 4 đến 5 năm mới có keo để thu hoạch.

Với giá 60 đến 70 triệu/ ha keo giấy nguyên liệu 5 năm tuổi đã khiến  nông dân huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đổ xô vào trồng keo  mong đổi đời. Tuy nhiên với những hộ nghèo và cận nghèo có quỹ đất sản xuất ít, thu nhập hạn hẹp mà chọn độc canh cây keo được xem là một sự mạo hiểm bởi họ phải thắt lưng buộc bụng  chờ  4 đến 5 năm mới có keo để thu hoạch.

Có nên độc canh cây keo ?

 

 Ông Cao Na chăm sóc vườn keo - Ảnh: Kim Oanh

Có nên độc canh cây keo ?12

 Nông dân H. Khánh Vĩnh thu hoạch keo nguyên liệu - Ảnh: Kim Oanh

Gia đình ông Cao Na ở tổ 3 thị trấn Khánh Vĩnh có 8 nhân khẩu, cả nhà sống nhờ vào 2 ha đất rẫy. Trước đây trồng  ngô, sắn, đậu nay thấy cây keo lãi cao, ông đưa hết đất vào trồng keo.  Giờ  keo đã được 1 năm tuổi đang phát triển tốt nhưng hiện tại gia đình ông đang hết sức khó khăn vì trên nương rẫy chẳng còn hoa màu gì để thu hoạch.            

“ Trồng hết cây keo giờ làm thuê cũng không ai kêu nên mình phải vào rừng chặt lồ ô, hái củi để kiếm sống qua ngày.  Lồ ô ở vùng này chặt cũng khó khăn lắm, phải vào rừng sâu mất 6 ngày mới đem cây lồ ô về nhà chẻ tăm nhang để bán. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài ba chục ngàn thôi, đủ mua gạo, mắm ăn qua ngày”, ông Na phân trần. Rất nhiều gia đình ở Khánh Vĩnh cùng hoàn cảnh như ông Na, họ phải chạy ăn từng bữa vì toàn bộ diện tích đất đều trồng keo lai.

Huyện Khánh Vĩnh có khoảng 4.000 ha keo trồng từ 1 đến hơn 3 năm tuổi. Theo tính toán của nông dân, sau 5 năm thu hoạch keo sẽ có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí.  Có hộ thu tiền tỉ vì  bán keo trong lúc này nhưng không phải ai trồng keo cũng giàu, nhất là với hộ nghèo và cận nghèo mà điều kiện đất đai lại hạn hẹp.  Năm năm sau mới thu hoạch  mà chỉ độc canh cây keo thì quá nguy hiểm, đồng bào sẽ rất khó khăn để nuôi sống mình. Chặt mía thuê chỉ có ở một số xã và việc làm này cũng sẽ kết thúc khi mía đã thu xong còn làm cỏ keo mỗi năm cũng chỉ có một vụ , do đó bà con sẽ thiếu việc làm, không còn sự lựa chọn nào khác là phải dựa vào rừng để kiếm sống hay chấp nhận bán keo non cho người có điều kiện về kinh tế, cái nghèo vì thế cứ luẩn quẩn đeo bám.  

Ông Cao Xuân Thiện,  chủ tịch Hội nông dân huyện Khánh Vĩnh nói: “ Dù cây keo có giá nhưng bà con nào kinh tế còn khó khăn, có một vài ha đất trở xuống thì không nên trồng độc canh cây keo mà cần phải trồng đan xen các loại hoa màu ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Sản xuất phải cân đối hài hòa để tránh thiếu hụt thu nhập ngắn hạn ”.

Ba năm trước  nông dân Khánh Vĩnh ào ạt trồng sắn và hậu quả là sắn mất giá thê thảm, nông dân thua lỗ, giờ bà con lại đổ xô trồng keo. Phát triển quá nhiều diện tích keo sẽ làm cho nguồn nguyên liệu giấy tăng mạnh trong vài năm tới nên chưa thể khẳng định  thị trường keo nguyên liệu 5 năm nữa có còn được giá không nhưng trước mắt sự túng thiếu vì miếng cơm manh áo hàng ngày với những hộ nghèo độc canh cây keo ở Khánh Vĩnh thì đã nhãn tiền.

 Kim Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.