Là giáo viên cấp THCS, nhiều năm liền được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi, xin được chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này.
Học sinh lớp 9 ôn tập cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 |
đào ngọc thạch |
Phát sinh lớp chọn không chính thức trong trường THCS
Có cần tổ chức thi chọn học sinh giỏi THCS không, nhất là đối với học sinh lớp 9? Nhiều thầy cô, kể cả phụ huynh, học sinh cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì đó không phải là mục tiêu dạy - học hiện nay.
Công văn số 2449 ngày 27.5.2016 của Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS dưới bất kỳ hình thức nào”. Bộ đã cấm tổ chức lớp chọn nên theo các giáo viên, cũng nên có công văn bỏ kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS vì chính có kỳ thi này mới sinh ra lớp chọn. Mục đích chính của lớp chọn là nhằm “luyện gà”, “thi đấu” học sinh giỏi để đem lại thành tích cho nhà trường, phòng giáo dục.
Thực tế hiện nay, lớp chọn vẫn tồn tại ở cấp THCS. Cấp quản lý phòng và sở GD-ĐT có biết việc lập lớp chọn không? Câu trả lời là có, nhưng không có cơ sở để xử lý bởi khi kiểm tra, nhiều trường tìm cách đối phó bằng lập luận: Đó không phải là lớp chọn vì vẫn dạy theo chương trình, thầy cô giảng dạy được thay thế luôn phiên hàng năm, không có tồn đọng gì trên hồ sơ là lớp chọn.
Áp lực cho cả thầy và trò
Để đạt thành tích trong thi chọn học sinh giỏi là rất áp lực, học sinh trong đội tuyển ngoài việc học chương trình chính khóa còn phải mất nhiều thời gian từ 3- 6 tháng (kể cả những tháng hè) để thầy cô dạy bồi dưỡng nâng cao kiến nên chẳng còn thời gian giải trí, nghỉ ngơi, vui chơi… Học sinh đội tuyển chỉ có học và học.
Hiện nay không còn việc cộng điểm cho học sinh lớp 9 đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh, thành vào tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Do vậy nhiều học sinh cũng không còn mặn mà, có động lực để tham gia học, thi học sinh giỏi nữa. Thực tế nhiều môn cũng rất hiếm học sinh tham gia bồi dưỡng thi chọn học sinh giỏi như: lịch sử, địa lý bởi tâm lý “quan điểm” là môn phụ.
Thầy cô dạy bồi dưỡng chịu áp lực không ít từ lãnh đạo nhà trường là phải có học sinh đạt giải đem về để xem xét thi đua cuối năm. Nếu không có học sinh đạt giải thì thầy cô bị xem là dạy dở, uy tín giảm sút với học sinh, phụ huynh, mặc cảm với đồng nghiệp, chỉ tiêu không đạt...
Mục tiêu giáo dục THCS là giúp các em tiếp tục học THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp |
đ.n.t |
Nhiều địa phương đã bỏ thi học sinh giỏi THCS
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần phải duy trì thi học sinh giỏi để tạo phong trào thi đua học tập trong trường học, phát triển năng lực cá nhân học sinh, bồi dưỡng cho học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn bậc THPT. Chính vì vậy hiện nay kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS (lớp 9) huyện, tỉnh thành ở các địa phương vẫn đều đặn diễn ra hàng năm.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, việc dạy- học nói chung, thi học sinh giỏi nói riêng cần phải được xem xét căn cứ trên mục tiêu dạy - học hiện nay. Căn cứ Điều 29 luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1.7.2020) về mục tiêu của giáo dục phổ thông, cụ thể như sau: “… Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp…”. Như vậy, căn cứ vào mục tiêu giáo dục THCS là giúp các em tiếp tục học THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp thì không đặt vấn đề thi chọn học sinh giỏi.
Năm học 2021-2022, một số địa phương đã bỏ kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp huyện, tỉnh, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Điều này được nhiều thầy cô, phụ huynh, học sinh đồng tình ủng hộ. Về lâu dài cũng nên xem xét lại kỳ thi này trên cả nước vì không đem lại nhiều ích lợi mà còn thêm áp lực cho học sinh, thầy cô. Đã đến lúc chúng ta cần tập trung cho việc dạy học phát huy phẩm chất năng lực học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 hơn là chú trọng việc thi học sinh giỏi THCS.
Bình luận (0)