Có nên hoãn xuất cảnh lãnh đạo DN vì nợ chưa tới 1 triệu đồng tiền thuế?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
21/05/2024 06:31 GMT+7

Chuyện doanh nghiệp nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng, giám đốc vẫn bị cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh đang là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Doanh nghiệp nợ thuế, giám đốc bị hoãn xuất cảnh

Tuần qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp (DN) đang nợ thuế. Trong đó, số tiền thuế nợ cao nhất là 680 triệu đồng với Công ty TNHH thương mại Quý Thịnh (Q.12, TP.HCM). Quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của DN này được ban hành từ tháng 10.2013, cách đây gần 11 năm. 

Thứ 2 là số nợ thuế 290 triệu đồng của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm A.T.B (Q.5, TP.HCM), người bị hoãn xuất cảnh là ông N.H.H - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc. Ngoài ra còn có ông D.H.S - Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật Công ty TNHH gỗ Sài Gòn ĐD (DN nợ 62 triệu đồng); bà T.T.Q - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ N.D (Q.2, TP.HCM, còn nợ hơn 10,2 triệu đồng)…

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế bị cơ quan hải quan ra thông báo hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế bị cơ quan hải quan ra thông báo hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật

Ngọc Thắng

Đặc biệt, trong 5 thông báo tạm hoãn xuất cảnh của đơn vị hải quan nói trên, có trường hợp của bà L.H.B - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất G.T (Bình Dương). Bà L.H.B bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18.5 với lý do DN mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định "chưa hoàn nghĩa vụ thuế" có từ 10 năm trước, tháng 5.2014. Tương tự, hồi tháng 2, giám đốc một công ty tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do DN nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp.

Ngoài ra, có một số trường hợp nhiều người khi ra đến sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Đơn cử tháng 10.2023, bà L.T.V, đại diện pháp luật của Công ty TNHH thương mại Baby Care (Q.1, TP.HCM), có đơn kiến nghị gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vì nhận thông báo tạm hoãn xuất cảnh trong khi chưa từng làm giám đốc và không hay biết gì về Công ty Baby Care. Bà khẳng định bản thân bị đánh cắp thông tin để thành lập công ty với mục đích xấu, trốn thuế và đề nghị cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh phối hợp làm việc, cung cấp hồ sơ của Công ty Baby Care cho cơ quan công an xác minh việc giả mạo, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty này, đồng thời hủy thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với bà.

Có thể thấy, ngày càng nhiều lãnh đạo DN bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế, thậm chí với số tiền rất nhỏ, chưa tới 1 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng việc hoãn xuất cảnh lãnh đạo DN chỉ vì 1 triệu đồng nợ thuế là "hơi quá".

Về việc này, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP.HCM), cho rằng nợ thuế, cho dù 1 đồng, cũng là vi phạm và cá nhân, DN liên quan việc nợ thuế quá hạn đều bị áp dụng quy định pháp luật để xử lý như nhau. Thuế không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo. Tức là không có chuyện nợ ít hay nhiều mà chỉ có nợ quá hạn, là vi phạm.

Dẫn câu chuyện về một cụ ông người Mỹ chỉ vì khoản thuế nhà 500 USD, đóng rồi nhưng quên mất khoản lãi suất tích lũy trong khoảng thời gian séc thanh toán được gửi đi là 8,41 USD để rồi 3 năm sau đó bị kê biên căn nhà trị giá 60.000 USD, luật sư Nguyễn Quốc Toản nói: Nợ hơn 8 USD còn có thể bị kê biên cả tài sản. Nguyên tắc của luật pháp Mỹ là không nộp đủ thuế trong năm trước, chủ sở hữu tài sản sẽ bị coi là nợ thuế. Ở đây, DN nợ thuế tuy chỉ gần 1 triệu đồng, con số thoạt nghe nhỏ, nhưng nếu tính khoản nợ quá hạn, nợ lãi suất 11 năm qua thì khoản nợ chắc chắn không dừng lại ở con số 1 triệu đồng.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chuyên gia kinh tế tài chính, nhận định: Thuế là quy định pháp luật mang tính pháp lý cao nhất, đóng góp vào ngân sách nhà nước mà mỗi cá nhân, DN có doanh thu, có lợi nhuận bắt buộc phải đóng. Về nguyên tắc, DN và người đại diện pháp luật của DN đó phải tự tính toán, kê khai, và chấp hành việc nộp thuế.

"Nói đơn giản là các quyết định tạm hoãn xuất khẩu hay cưỡng chế hải quan liên quan nợ thuế nhằm mục đích bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của DN, doanh nhân. Đã lập DN, đã là người đại diện pháp luật của DN thì phải đặt yếu tố thượng tôn pháp luật lên hàng đầu. Các thông báo nợ thuế, cưỡng chế thuế được cơ quan quản lý gửi rất nhiều lần về DN. Trong thời gian đó, người đại diện pháp luật của đơn vị không thể không biết? Hay là nghĩ khoản tiền nhỏ, không đáng quan tâm? Tôi nghĩ không nên có sự phân biệt và du di với các trường hợp nợ thuế chây ỳ thế này", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm?

Nếu như ngành thuế ngày càng siết chặt việc nộp thuế, nợ thuế thì ở đầu ngược lại, nhiều DN cho rằng đối với việc hoàn thuế chậm, cơ quan thuế cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư cao su VN cho biết DN đã bị chậm hoàn thuế khoảng 2 năm nay, với số tiền lên tới gần 70 tỉ đồng. Thậm chí số tiền chậm hoàn thuế hiện còn lớn hơn cả số vốn của công ty. DN buộc phải tạm ngừng hoạt động vì không có vốn quay vòng. Theo đại diện công ty, tuy khó khăn nhưng DN không thể giải thể vì nếu giải thể rồi, sau này làm các thủ tục để nhận hoàn thuế càng khó khăn gấp bội. Việc bị "tạm giữ" hàng chục tỉ đồng thuế giá trị gia tăng khiến DN hụt nguồn tài chính, không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu và mất khách hàng liên tục.

Trước đó, năm 2023, nhiều DN ngành gỗ cũng phản ánh việc để được hoàn thuế giá trị gia tăng "khó như lên trời". Đơn cử, Công ty CP Fococev VN bị chậm hoàn thuế 355 tỉ đồng và đã từng gửi 29 hồ sơ cho các kỳ hoàn thuế từ tháng 6.2020 - 2.2023. Một số DN cho hay họ bị "vạ lây" từ các DN đã đóng cửa, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, trong khi hồ sơ xin hoàn thuế cần xác minh hóa đơn chứng từ các DN này.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Toản, tiền hoàn thuế giá trị gia tăng thực chất là tiền thuế mà DN đã nộp khi mua hàng hóa trong nước để chế biến hàng xuất khẩu. Có nghĩa là DN đã ứng tiền cho ngân sách nhà nước "giữ giúp", nên sau khi DN đáp ứng được các quy định, cơ quan thuế phải có trách nhiệm hoàn trả. Tuy vậy, việc đáp ứng hồ sơ đầy đủ hóa đơn mua hàng đầu vào để được hoàn thuế lại không phải DN nào cũng đáp ứng đủ. Thế nên, đa số hồ sơ chậm do không đáp ứng được, hoặc bị bế tắc trong quá trình xác minh hóa đơn chứng từ. Đặc biệt là trong thời điểm số DN đóng cửa, phá sản lên hàng ngàn DN mỗi tháng.

"Việc xác minh hóa đơn là chuyện nội bộ ngành thuế. Tuy vậy, ngành thuế phải đảm bảo quy định của pháp luật là giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN trong vòng 40 ngày. Trách nhiệm của ngành thuế không chỉ là thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế, mà còn phải chịu trách nhiệm chống trốn thuế, chống gian lận thuế, đặc biệt là chống việc chiếm đoạt ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế giá trị gia tăng. Nếu không điều tra, xác minh kỹ, để ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, thì cán bộ thuế sẽ bị quy trách nhiệm. Trong thực tế chưa có quy định cơ quan thuế chậm hoàn thuế sẽ bị xử lý thế nào", luật sư Toản cho hay.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), việc bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại rất lớn cho DN. Đặc biệt, thời gian phải xác minh hồ sơ thường kéo dài và nhiều DN phản ánh là "không biết khi nào mới xong".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.