Có nên ‘nhìn xe đoán người’?

24/07/2014 15:36 GMT+7

Mới hôm rồi, tôi có đọc trên báo và thật thú vị khi phát hiện được một điều đáng phải suy nghĩ. Một tờ báo đã dẫn nguồn từ Carmudi.vn, thống kê về mấy tỉ phú "có máu mặt" trên thế giới, họ cũng khá giản dị, không câu nệ chiếc xe mà họ sử dụng phải sang trọng ra sao dù họ quá giàu. Từ ví dụ đó, tôi lại nghĩ tới người nước mình, đặc biệt là các đại gia hoặc quan chức mà không khỏi băn khoăn.

Mới hôm rồi, tôi có đọc trên báo và thật thú vị khi phát hiện được một điều đáng phải suy nghĩ. Một tờ báo đã dẫn nguồn từ Carmudi.vn, thống kê về mấy tỉ phú "có máu mặt" trên thế giới, họ cũng khá giản dị, không câu nệ chiếc xe mà họ sử dụng phải sang trọng ra sao dù họ quá giàu.

>> Siêu xe máy' mang biển số giả
>> Đúng nghĩa siêu xe
>> Tất cả vì siêu xe
>> Choáng với bãi siêu xe của trường đại học

Từ ví dụ đó, tôi lại nghĩ tới người nước mình, đặc biệt là các đại gia hoặc quan chức mà không khỏi băn khoăn.

Mark Zuckerberg, người quá nổi tiếng. Mới năm nào, anh cũng đã bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội, vịnh Hạ Long và Sa Pa cùng cô bạn gái với lối trang phục và đi lại quá giản dị làm nhiều người sững sờ. Song, hình như đó là lối sống của vị đại gia trẻ tuổi tài cao này. Trong nước, anh ta cũng chỉ lái một chiếc xe hơi được coi là mới chạm ngưỡng xe sang (nếu so với cuộc sống ở Việt Nam). Chiếc xe này được trang bị động cơ 4 xy-lanh, có dung tích 2,4 lít, công suất 201 mã lực. Mặc dù đây chỉ là mẫu xe thuộc hạng thường trong các dòng xe sang, xe Acura TSX. Chúng ta chắc cũng biết, tổng tài sản của Mark Zuckerberg là 26,4 tỉ USD, vậy mà chiếc xe anh ta đi, nó chỉ có 35.500 USD. Tài sản của anh, nếu "quy ra xe" thì có thể mua được trên 743.000 chiếc.

Một thiên tài đứng sau thành công của Google là Larry Page. Ông thường lái một chiếc Hatchback hybrid điện cỡ trung. Mẫu xe này nổi tiếng là một trong những chiếc xe hơi “sạch” nhất thế giới nhờ khả năng giảm thiểu tối đa khí thải. Mẫu xe thân thiện với môi trường này được trang bị khá thú vị nhưng rất rẻ tiền. Chiếc xeToyota Prius mà ông sử dụng ấy chỉ có  27.000 USD. Tài sản hiện ông có là 29,7 tỉ USD, điều đó có nghĩa, ông có thể sắm được... 1,1 triệu chiếc xe như thế!

Rồi Warren Buffet, nhân vật tài phiệt giàu thứ ba trong danh sách thống kê của Forbes: Ông có 64,4 tỉ USD. Vậy mà ông chỉ sài chiếc xe Cadillac DTS giá 53.500 USD nhưng rất cũ, trong khi tài sản mà ông có, nó có thể mua được hơn 1,2 triệu chiếc xe như vậy, nhưng là xe mới khự!

Hôm nọ, nhân đọc một bài báo của tôi khi bàn về chuyện quan chức Việt Nam chuẩn bị thực hiện khoán bắt buộc khi dùng xe công, anh bạn tôi, Vụ trưởng của một ban Đảng có "phôn" tâm sự và kể thêm cho nghe, hồi tháng 6 mới đây, khi đi máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội, anh cũng bất ngờ khi nhìn thấy ông chủ của Tập đoàn FPT, Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Gia Bình ngồi ở ghế hạng phổ thông chứ không ngồi hạng C như nhiều giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Dù rằng hiện tại, FPT luôn là công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu tại Việt Nam với doanh thu 28.647 tỉ đồng, tương đương 1,36 tỉ USD (Báo cáo tài chính 2013), tạo ra hơn 17.000 việc làm và giá trị vốn hóa thị trường (tại 28.2.2014) đạt 17.608 tỉ đồng, nằm trong số các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam (theo báo cáo của Vietnam Report 500). Chính điều mà anh bạn tôi ngạc nhiên đó, đã khiến anh lý giải rằng, hình như với doanh nghiệp tư nhân, họ luôn tính chuyện tiết kiệm tối đa. Với gần 2 giờ bay, có lẽ chưa khiến ông đại gia phong độ này mỏi chân để yêu cầu cấp dưới mua vé hạng C, giá cao gấp rưỡi chăng?

Tôi nghĩ, cũng có thể vậy, tuy có hơi khác một chút, mặc dù cũng rất trân trọng suy nghĩ kiểu đó của những đại gia căn cơ, chắt chiu như ông. Song cũng phải nói thật, trong giao thương, nhiều doanh nhân cũng có cân nhắc chuyện này. Họ cho rằng việc dùng vé bay hạng C, đó còn thể hiện là "bộ mặt" của doanh nghiệp, là để có dịp họ gặp gỡ, làm quen nhau trên một hành trình mà nhiều khi, rất khó có cơ hội họ gặp nhau, thậm chí còn "ra tiền" cũng nhờ có sự vô tình, được ngồi gần nhau như vậy. Nhưng biết đâu, có người, do có "uy" lớn rồi, họ đâu xem trọng chuyện đó?

Tôi cũng tán đồng việc một vài đại gia của Việt Nam mua máy bay riêng để đi lại cho thuận lợi (như ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) khi giờ đây ông đã mở rộng làm ăn với quy mô lớn trên cả lãnh thổ Lào, Campuchia và Myanmar. Nếu chỉ trông chờ vào những chuyến bay hiện có, lại chậm chuyến như cơm bữa hiện nay, có khi lại hỏng cả việc lớn. Thực tế cho thấy, nếu thực cần và nó mang lại hiệu quả tốt cho công việc làm ăn thì cũng không nên hiểu sai về họ.

Nói cho khách quan, họ là những người tạo ra một khối tài sản khổng lồ, họ hoàn toàn xứng đáng được quyền hưởng thụ.

Chỉ có điều, dư luận hiện nay hay chỉ trích, bình phẩm là ở những doanh nhân hay mắc chứng "sĩ”, sắm xe sang nhưng lại kiếm không ra tiền, nợ nần thì như chúa Chổm. Dạng này hiện có rất nhiều trong thời buổi bất động sản đảo chiều, xuống dưới đáy, họ nợ ngân hàng, phải trốn tránh... Nhưng chuyện sài xe thì vẫn... "oai" lắm, thậm chí còn có vài chiếc để thay đổi, để giấu cái tài khoản mà họ đang rỗng và nợ lương nhân viên triền miên...

Một điều đáng suy nghĩ hơn, đó là tình trạng mua sắm xe công ở các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước đang có gì đó không ổn. Chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ ban hành về tiết kiệm mua sắm xe công, có lẽ vài năm lại ban hành, điều chỉnh như để nhắc nhở. Song việc nơi này nơi kia mua quá tiêu chuẩn không phải là ít xảy ra. Song không biết có mấy thủ trưởng nào quyết mua quá quy định mà bị hạ cấp, hạ lương vì kỷ luật? Tất cả rồi cũng qua dần vì cũng rất khó xử do nhiều khi người yêu cầu xử lẫn người bị xử đều vi phạm. Rồi do giá xe con đâu có ổn định và nó cũng làm sao chuẩn 100% so với văn bản cho được? Chính vì thế, chúng ta thường chỉ thấy cấp trên nhắc nhở cơ sở "cần lưu ý, rút kinh nghiệm sâu sắc!".

Tất nhiên, chính tôi cũng chứng kiến có một số vị lãnh đạo cao cấp, thậm chí rất cao của nhà nước ta vẫn đi xe cũ. Lẽ ra, theo chế độ, nó đã đến hạn thay mới, song vị lãnh đạo nọ cũng không cho thay vì thấy nó vẫn tốt, thay là lãng phí. Ngược lại, cũng vì việc thiếu nhất quán trong mua sắm xe công trong nhiều năm qua, nên rất hay có chuyện bộ, ngành nọ, tỉnh kia thắc mắc, đại thể như: Tại sao bộ này, ban kia mua xe cho cấp thứ trưởng lại là loại 2.4L? Còn bộ tôi, ban tôi, cũng cấp đó lại chỉ được duyệt mua xe loại 2.0L?...

Hoá ra, chỉ vì một con số nhỏ ở phía sau dấu chấm (phẩy) để chỉ dung tích xe kia, nó tưởng như rất bình thường ấy, vậy mà biết bao chuyện xảy ra. Nhiều lúc sinh chuyện so bì tị nạnh vì nó gián tiếp thể hiện "phong độ, thứ bậc" của người lãnh đạo, nó có thể phân biệt cả điểm đỗ xe khi có 2 ông thứ trưởng về địa phương dự lễ hội. Ban tổ chức buổi lễ lại dặn bảo vệ phân biệt theo kiểu "nhìn xe đoán cấp hàm": Cứ xe 2.0 đổ xuống thì đậu một nơi xa hơn chút, còn xe trên 2.4 thì đậu một chỗ đặc biệt hơn, gần nơi có lễ hội hơn, để lãnh đạo cao cấp khỏi phải đi bộ dài hơn. Vậy là sinh chuyện, họ có thể giận địa phương cả năm cũng có khi chỉ là chuyện vặt như thế!

Có lẽ thông qua những câu chuyện trên, liệu chúng ta có nên nhìn lại lối suy nghĩ khi "nhìn xe đoán người" thông qua chiếc xe (và chiếc vé máy bay) mà các lãnh đạo, các doanh nhân họ đã đi. Xin đừng tốn công, tốn sức vì những chuyện như thế, hãy nên để giành thời gian và trí tuệ vào những công việc khác có tác dụng hơn cho xã hội. Việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, hãy nên từ những chuyện như thế!

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.