Có nên quy định dạy thêm là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?

Nguyễn Xuân Khang
Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)
22/11/2023 15:27 GMT+7

Bộ GD-ĐT và một số đại biểu Quốc hội đang đề xuất đưa dạy thêm vào một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tôi đã 74 tuổi, 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa, xin chân thành trả lời: không nên!

Tôi tìm hiểu để biết kinh doanh có điều kiện là như thế nào? Luật Đầu tư năm 2020 quy định 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và: "Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng". 

Vậy dạy thêm là như thế nào? Ai dạy và dạy cái gì? Ai học và vì sao phải học thêm? Đó là những câu hỏi cần làm rõ.

Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, dạy thêm là sử dụng thời gian "rảnh việc chính" để dạy, có thể dạy lại hoặc dạy sâu hơn, rộng hơn những gì có trong chương trình hoặc không có trong chương trình.

Người dạy phần lớn là giáo viên của một trường nào đó, phổ thông hoặc đại học, cũng có thể là sinh viên có năng lực khá, giỏi. Họ dạy những gì thiên hạ có nhu cầu: toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ…

Nhất là ngoại ngữ, trường học (phổ thông, đại học) không đáp ứng được yêu cầu nên họ tìm các trung tâm để học thêm, vào buổi đêm hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Thể thao cũng có nhu cầu học thêm: học bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, học bơi lặn, học thể hình… Nghệ thuật cũng có nhu cầu học thêm: học nhảy, học múa, học đàn, học thanh nhạc, học vẽ… Học thêm kỹ năng sống cũng khá phổ biến.

Người học có già, có trẻ, có nam, có nữ, không những học thêm lúc đang học (phổ thông, đại học) mà học thêm cả lúc đi làm hoặc về hưu. Cuộc sống muôn màu sắc, đa dạng nhu cầu phát triển năng lực bản thân. Cái gì cuộc sống cần, nói chung là chính đáng, nên ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để ai cũng cảm thấy hạnh phúc.

Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học sinh tiểu học, 6 - 10 tuổi, học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng phải học thêm, học đến mức các con mụ mị, mất cả thời gian nghỉ ngơi cần thiết.

Học sinh THCS, THPT cũng học thêm nhiều buổi trong tuần. Học sinh trường chuyên còn đi học nhiều hơn trường không chuyên. Các con muốn đi học thêm cũng có. Bố mẹ bắt đi học thêm cũng có. Tệ hại nhất là giáo viên ép học trò của mình đến lớp của cô để học thêm.

Học thêm tràn lan, tức là quá mức cần thiết hoặc bị (bố mẹ, thầy cô) ép buộc là mặt trái của việc dạy học nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng.

Xã hội không đồng tình với việc dạy thêm tràn lan. Tôi phản đối kịch liệt việc dạy thêm tràn lan, nhưng ngược lại, hoan nghênh việc dạy thêm hợp lý và học thêm hợp lý.

Trở lại với câu hỏi có nên đưa việc dạy thêm vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Tôi đã 74 tuổi, 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa, xin chân thành trả lời: không nên!

Cho dù dạy thêm tràn lan là một điều nhức nhối, nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội… Vì thế, không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong luật Đầu tư 2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.