Có nên siết công chứng ngoài trụ sở?

28/04/2024 07:35 GMT+7

Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật Công chứng sửa đổi. Luật này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Luật Công chứng năm 2014 (đang có hiệu lực) quy định 3 trường hợp có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở gồm: người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được; người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù; hoặc có lý do chính đáng khác.

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất bỏ quy định được công chứng ngoài trụ sở khi có “lý do chính đáng khác” (ảnh minh họa)

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi đề xuất bỏ quy định được công chứng ngoài trụ sở khi có “lý do chính đáng khác” (ảnh minh họa)

T.N

Cơ quan soạn thảo cho rằng thời gian qua xảy ra tình trạng lạm dụng "lý do chính đáng khác" để thực hiện tràn lan việc công chứng ngoài trụ sở. Vì thế, dự thảo luật Công chứng sửa đổi bãi bỏ quy định này, thay vào đó liệt kê cụ thể 3 trường hợp được công chứng ngoài trụ sở gồm: người yêu cầu công chứng không thể đi lại được vì lý do sức khỏe, đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế; đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; hoặc đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Một số đồng tình vì như vậy sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng thực hiện công chứng ngoài trụ sở. Số khác lo ngại việc "đóng khung" như dự thảo sẽ gây khó khăn khi triển khai, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Liệt kê không đầy đủ sẽ cản trở giao dịch lành mạnh

Thẩm tra dự thảo luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không tán thành việc siết công chứng ngoài trụ sở như đề xuất và đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Theo nhóm ý kiến này, việc liệt kê các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở như dự thảo sẽ khó bảo đảm đầy đủ, bởi lẽ thực tế cuộc sống luôn phát sinh những trường hợp không dự liệu được trước, nếu liệt kê không đầy đủ sẽ dẫn đến cản trở các giao dịch dân sự lành mạnh.

Yêu cầu tiên quyết của việc công chứng là bảo đảm chất lượng văn bản công chứng, do đó đưa ra các tiêu chí, điều kiện để công chứng trong hay ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng là không cần thiết. Chưa kể, việc kiểm soát khắt khe các trường hợp công chứng ngoài trụ sở không có ý nghĩa khi công chứng điện tử được phát triển.

Thực tế cho thấy nhiều quốc gia đang đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công chứng theo hướng tạo thuận lợi tối đa, giảm thiểu phiền hà cho người dân. Một mặt các quốc gia này khuyến khích người dân đặt lịch và đến thực hiện dịch vụ công chứng tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, nhưng mặt khác cũng không đưa ra các điều kiện khắt khe về công chứng ngoài trụ sở.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật còn cho rằng việc công chứng ngoài trụ sở vẫn được bảo đảm nếu có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ và có quy trình, thủ tục chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, có sự hiện diện và chứng kiến trực tiếp của công chứng viên (CCV).

Cùng nêu quan điểm, một số ý kiến khác trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thì đề nghị không nên hạn chế về địa điểm công chứng, thay vào đó là bổ sung điều khoản quy định về các trường hợp khác do Chính phủ quy định để bao quát hết phát sinh trên thực tế, đồng thời cho phép công chứng ngoài trụ sở ở những đơn vị thường xuyên có hoạt động công chứng như ngân hàng hoặc sàn giao dịch bất động sản.

Nên bỏ hẳn việc giới hạn công chứng ngoài trụ sở?

Trả lời Thanh Niên, ông Đào Duy An, Tổng thư ký Hiệp hội Công chứng Việt Nam, cho biết hiệp hội đang tổng hợp ý kiến để có góp ý chính thức bằng văn bản đối với dự thảo luật Công chứng sửa đổi nói chung và đề xuất siết chặt công chứng ngoài trụ sở nói riêng. Còn với góc nhìn cá nhân của một CCV, ông An cho rằng đề xuất như vậy là "chưa thực sự hợp lý".

Theo ông An, luật hiện hành quy định "việc công chứng phải được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng". Điều này để bảo đảm tính nghiêm minh và chất lượng của hoạt động công chứng. Tuy nhiên, kể cả công chứng ngoài trụ sở thì cũng không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của hoạt động công chứng. Bởi lẽ, đa số công đoạn của quy trình công chứng (tra cứu dữ liệu, nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo, in ấn, ký, đóng dấu) đều được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; công việc thực hiện ngoài trụ sở thường chỉ là việc CCV chứng kiến một bên hoặc các bên ký vào văn bản.

Thẳng thắn thừa nhận thời gian qua có những "lệch lạc" nhất định trong hoạt động công chứng ngoài trụ sở, khi một số tổ chức hành nghề công chứng không cử CCV mà lại cử nhân viên đi chứng kiến, ông An cho rằng cần khắc phục tình trạng này, nhưng phải bằng giải pháp "gốc rễ" chứ không chỉ là "phần vỏ" bằng việc hạn chế công chứng ngoài trụ sở.

Ông An cho biết từng nhiều lần đề xuất giải pháp khi thực hiện công chứng ngoài trụ sở thì CCV chụp ảnh lại, cho thấy mình đang có mặt trực tiếp chứng kiến giao dịch. Hình ảnh này sẽ được lưu hồ sơ (nội bộ) nhằm phục vụ công tác hậu kiểm. "Việc này rất dễ vì hiện nay smartphone rất tiện lợi, sẽ hạn chế đáng kể tình trạng CCV làm sai quy trình", ông An nói.

Vẫn theo ông An, nhu cầu công chứng ngoài trụ sở của người dân và doanh nghiệp là rất đa dạng và đa phần đều có lý do chính đáng. Ông An kiến nghị nên bỏ hẳn quy định về việc giới hạn công chứng ngoài trụ sở, nhằm hướng đến sự tiện lợi cho người dân. Song song với đó là xây dựng các giải pháp kiểm soát chặt chẽ.

Liệu có tùy tiện áp dụng "công việc đặc thù"?

Ông Đào Duy An nói, luật Công chứng năm 2014 quy định một trong các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở là có "lý do chính đáng khác". Thế nhưng, luật và các văn bản dưới luật không hướng dẫn cụ thể thế nào được coi là lý do chính đáng; từ đó rất dễ xảy ra tình huống CCV cho là chính đáng còn cơ quan kiểm tra, thanh tra lại cho rằng không phải chính đáng và kết luận vi phạm.

Dự thảo luật Công chứng sửa đổi bãi bỏ quy định trên, liệt kê cụ thể một số trường hợp được công chứng ngoài trụ sở, trong đó có trường hợp "công việc đặc thù". Tưởng chừng hạn chế của luật hiện hành sẽ được khắc phục, nhưng thực tế "công việc đặc thù" nêu trong dự thảo cũng khá mù mờ, không có hướng dẫn chi tiết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.