Có nên siết gạo nhập khẩu?

01/12/2022 06:29 GMT+7

Bộ Công thương vừa ban hành dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu gạo, trong đó nổi bật là chính sách điều tiết can thiệp gạo nhập khẩu.

Nhập khẩu gạo tăng vọt

Động thái mới của Bộ Công thương xuất phát từ số lượng nhập khẩu gạo tăng vọt. Cụ thể, năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của VN là 999.750 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước), chủng loại chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...

Năm 2022, lượng gạo Ấn Độ nhập khẩu về VN cũng đạt 500.000 tấn trước khi nước này ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đáng lưu ý là chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Campuchia cũng đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm sang VN, đạt giá trị hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gạo nhập khẩu sẽ được đưa vào nghị định để quản lý

Công Hân

Theo Bộ Công thương, VN là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, hằng năm, sau khi đảm bảo nguồn cung và dự trữ trong nước, VN dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, VN đã nhập một số loại gạo để phục vụ nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu. Việc xuất, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.

Bộ này đánh giá: Việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước (như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh...) tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ. Bộ Công Thương lo ngại việc nhập quá nhiều gạo giá rẻ, cấp thấp sẽ ảnh hưởng tới sản xuất lúa gạo trong nước nên cần siết lại.

Nhập nhèm gạo chất lượng thấp, ảnh hưởng uy tín gạo Việt

Theo Dự thảo Nghị định 107/2018/NĐ-CP (sửa đổi), vào định kỳ công bố số liệu, Tổng cục Hải quan kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT về kết quả xuất khẩu khi xuất hiện hiện tượng lượng gạo xuất khẩu tăng cao, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp. Trường hợp xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu gạo nhận định: “VN trong những năm gần đây đã chuyển sang trồng các loại lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu vào những thị trường cao cấp hơn trước. Tuy nhiên, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Vì thiếu hụt nguồn cung nên một số doanh nghiệp VN sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về VN chế biến, xuất khẩu. Lúa gạo Campuchia có ưu điểm là ít sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên chất lượng đảm bảo được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở Campuchia còn chưa được khai phá nhiều, chi phí lao động thấp hơn ở VN, đây là một lợi thế lớn”. Vị này đồng tình rằng cần quản lý gạo nhập có giá thấp hơn trong nước vì nhiều khả năng một số doanh nghiệp nhập về kê khai để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng lại trà trộn để xuất sang thị trường khác, gây nhiễu và cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, góp ý: “Việc quản lý của Nhà nước trong hoạt động nhập khẩu gạo liên quan đến an ninh lương thực là cần thiết. Tuy nhiên, cần phân loại rõ mã số hàng hóa, mục đích sử dụng để có sự điều hành phù hợp. Ví dụ như gạo Ấn Độ thì chủ yếu dùng làm nguyên liệu để chế biến các sản phẩm khác, ngoài ra rất ít khi dùng để ăn vì giá rẻ và chất lượng kém. Có thể có trường hợp trộn các loại gạo với nhau để bán giá rẻ. Hơn nữa, chúng ta đã có những cam kết lẫn nhau trong các hiệp định thương mại, vì vậy việc điều chỉnh hay can thiệp cũng phải đúng luật và tuân thủ các cam kết”.

GS-TS Võ Tòng Xuân thừa nhận: “Trong thời gian qua có một số thương nhân kinh doanh lúa gạo nhưng không có vùng nguyên liệu, chỉ đi thu mua khắp nơi, trong đó có gạo nhập khẩu từ Campuchia, Ấn Độ… và trộn lẫn với nhau để bán giá ngang bằng trong nước, kiếm lợi chênh lệch. Đây phải nói là những “con buôn” chuyên làm thương mại chứ không có cái tâm để làm cho gạo VN có danh tiếng, thậm chí là làm tổn hại đến gạo chất lượng cao của VN”. Vì thế, theo GS Võ Tòng Xuân, việc siết chặt quản lý gạo nhập khẩu là cần thiết.

Nhật Bản không cho phép nhập khẩu gạo giá rẻ hơn trong nước dù giá thành sản xuất cùng chủng loại tại VN rẻ hơn nhiều. Đối với VN và các nước có ký kết Hiệp định thương mại thì cũng có những điều kiện giới hạn, do đó có thể thực hiện các biện pháp can thiệp khi cần thiết.

GS-TS Võ Tòng Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.