Theo thông tin trên báo chí thì trang phục áo dài này sẽ được mặc vào đầu mỗi tuần và nằm trong lộ trình xây dựng đề án biến Huế thành “Kinh đô áo dài” đã gây ra nhiều tranh luận.
Áo dài Huế
Lâu nay nói đến áo dài là nghĩ đến Huế, đến con gái Huế. Mặc nhiên Huế đã là kinh đô áo dài.
Thế giới đều thừa nhận, áo dài Việt Nam cực đẹp. Không chỉ đẹp mà nhiều người nước ngoài còn nhận xét là rất... sexy, ở chỗ, mặc vào nó tôn vinh tất cả đường nét gợi cảm, thấy chị em đáng yêu, dịu dàng và hấp dẫn vô cùng. Đến vợ mình mặc áo dài, mình cũng thấy lạ và đáng yêu hơn.
Nhưng đó là áo dài phụ nữ, và chỉ với phụ nữ Á đông, bà đầm mặc vô trông không hợp.
Phụ nữ mặc áo dài rất đẹp, không ai có thể cãi. Mỗi lần các chị em mặc áo dài thì đi cùng với nó là các phụ kiện kèm theo, là mỗi lần mặc phải dành nhiều thời gian trang điểm, không chỉ mặt mày, mi mí mà cả mái tóc, đôi giày, đôi guốc...
|
Tôi thích phụ nữ mặc áo dài. Dù nó khá bất tiện (ví dụ mưa ướt hoặc mồ hôi ra thấm áo quần dài trắng thì rất... nguy hiểm) nhưng người ta thường nói, muốn đẹp thì phải chịu khó.
Trang phục công sở
Về trang phục công sở, Chính phủ đã có riêng một quyết định, quy định: “Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ complet, áo sơ mi, cà vạt. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ complet nữ”. Dù quyết định có thêm câu: “Ngoài nguyên tắc chung nêu trên, mỗi ngành, địa phương lại có quy định riêng về việc các chủ thể phải ăn mặc thế nào khi đi làm, tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể từng công chức”, nhưng cũng có dòng tiếp theo: “Ví dụ như với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở phải mặc áo sơ mi trắng, quần xanh đen, đi giày da màu đen, dép quai hậu đối với nam; nữ giới phải mặc sơ mi trắng, váy juýp dáng ôm, đi giày da màu đen…”, tức là vẫn không ra ngoài nguyên tắc trên
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... có đồng phục công sở riêng. Trang phục đó góp phần tạo nên văn hóa công sở, xây dựng văn hóa doanh nghiêp và nhận diện thương hiệu. Rõ rồi. Nhưng nhất định phải phù hợp với tính chất công việc, hòa đồng và tiện ích. Hòa đồng là không chỏi, không lố lên giữa cộng đồng, với đối tượng mình thường tiếp xúc. Chính là để công việc mình thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, việc duy trì mặc trang phục công sở cũng không phải hoàn toàn thuận lợi, nhiều cơ quan may đồng phục nhưng chỉ mặc vào dịp lễ lạt, hội hè, sự tiện ích làm họ sao nhãng, không triệt để chấp hành hoặc chấp hành kiểu đối phó (mang theo áo quần để khi ra ngoài thì thay vào).
Mặc áo dài, đội khăn đóng đi làm
Nghe Thừa Thiên - Huế có đề án xây dựng “Kinh đô áo dài”. Chưa có cơ hội tiếp xúc với đề án nên tôi chưa biết cụ thể thế nào. Nhưng mới đây nghe báo chí mô tả cán bộ, công chức Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài, đội khăn đóng là lộ trình tiến đến kinh đô đó thì tôi lờ mờ hiểu ra.
Cá nhân tôi thấy, lễ hội mặc áo dài thì được, còn vô công sở hay thường xuyên thì không. (Kiểu đàn ông Scotland trở lại thường xuyên mặc váy thì kỳ lắm).
Kết hợp truyền thống với hiện đại, mấu chốt là truyền thống vẫn giữ được trong sinh hoạt, người dân vẫn thấy cần, thấy đẹp, tự thân muốn duy trì mà không cần ai cưỡng cầu. Câu chuyện đi giày Tây khi mặc bộ trang phục đó đã nói lên sự bất tiện khi mang guốc truyền thống.
|
Bây giờ hỏi thực, các anh nghĩ thế nào khi mình phải mặc áo dài khăn đóng đi làm? Đi lại thế nào? Tiếp xúc ra sao? Mùa gió Lào, mùa mưa dầm lũ dai kiểu Huế, rồi sinh hoạt cá nhân?... Cho dù một tuần một ngày thì ngày đó làm được gì? Tưởng tượng xem.
Đến đây có người sẽ nói, phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được. Tuy nhiên có những thứ sinh ra chỉ dành cho phụ nữ, thế mới gọi là “yểu điệu thục nữ”. Đàn ông mà tỉa tót dễ mất chất đàn ông.
Nói thật, đến làm việc mà thấy mấy ông khăn đóng áo dài, đi giày Tây... chắc chả ai làm việc được. Một tuần mặc một ngày đi nữa thì hẳn ngày đó họ khó làm được gì.
Người ta nói rằng: “Mắm tôm có thể hợp với thịt chó, nhưng khó có thể đãi tiệc ngoại giao”, đó là chữ HỢP.
Nói thế không phải là bài xích áo dài, khăn đóng mà muốn nói là nên mặc nó khi nào mà thôi. Ví dụ như lễ hội truyền thống, như Lễ tế đàn Nam Giao, hoặc dùng cho những người làm việc ở các khu di tích xưa chẳng hạn, chứ nhất định không phải vào công sở.
Bình luận (0)