Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tươi, làm việc tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thông thường nhà tuyển dụng họ đưa ra rất nhiều yêu cầu và điều kiện khi tuyển nhân viên. Chính vì vậy, việc chúng ta không thể đáp ứng tuyệt đối những yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng là chuyện bình thường, cho nên ứng viên khi đi xin việc khi rơi vào những trường hợp như thế cũng đừng quá lo lắng.
Chị Thanh Tươi khuyên: “Hãy mạnh dạn ứng tuyển vì bạn chẳng mất gì cả. Nếu trúng tuyển thì quá tốt còn lỡ trượt thì đó cũng là bài học kinh nghiệm”.
Chị Tươi chia sẻ thêm: “Ngày xưa khi biết tôi có ý định ứng tuyển vào sân bay, nhiều bạn bè nói ở đó yêu cầu cao lắm, ứng tuyển vào đó không trúng tuyển đâu, chỉ mất thời gian. Vậy mà tôi tự tin vào bản thân mình và cuối cùng tôi cũng đậu đó thôi. Chính vì vậy, bạn đừng bao giờ đặt ra những giới hạn cho bản thân mà luôn nghĩ mình có thể làm và đạt được những điều hơn thế”.
|
Còn theo chị Lê Tú Uyên, làm việc tại Công ty điện lực Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), để nhà tuyển dụng “chấm” hồ sơ của bạn trước khi gọi bạn phỏng vấn thì ngoài những bằng cấp, chứng chỉ cần có, bạn nên viết một bức thư kèm theo và cho nhà tuyển dụng biết bạn có thể lấp “các lỗ hổng” bằng các ưu điểm khác của bản thân so với yêu cầu của họ đặt ra mà bạn đang thiếu.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Quý, phụ trách truyền thông một Công ty bất động sản trên đường Thành Thái, Q.10 (TP.HCM), cho biết: “Nếu bạn thiếu một vài yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra mà vẫn có mong muốn được làm trong môi trường ấy, thì trong hồ sơ xin việc của mình, bạn hãy viết một lá thư kèm theo thể hiện cho người tuyển dụng thấy được sự chân thành và khát khao của mình muốn gắn bó, đóng góp khả năng của bản thân cho sự phát triển chung của công ty”.
Đứng ở góc độ của nhà tuyển dụng nhân sự, chị Lê Thị Thùy Nga, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Worldjobs (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Nhà tuyển dụng vẫn tuyển những ứng viên có kỹ năng thấp hơn tiêu chuẩn tuyển dụng vì họ có thể đào tạo kỹ năng cho họ. Chỉ cần ứng viên có thái độ tốt đối với công việc”.
Thái độ tốt có nghĩa là sao? Chị Nga nói: “Tìm hiểu kỹ về ngành nghề hoạt động của công ty, văn hóa cũng như sứ mệnh và tầm nhìn của công ty mà bạn ứng tuyển. Qua đó, thấy sự phù hợp giữa ứng viên và nhà tuyển dụng để gắn bó lâu dài, phát triển năng lực, phát triển nghề nghiệp, phát triển sự nghiệp cùng với sự phát triển của công ty. Thêm một điểm nữa khiến bạn 'lọt vào mắt' của nhà tuyển dụng là phải cho họ thấy được bạn có sự chuẩn bị và thể hiện tốt nhất khả năng mình có tại buổi phỏng vấn. Tuyệt đối không phỏng vấn thử, mà phải thể hiện sự quyết tâm, đặt mục tiêu phải ứng tuyển đạt ở vị trí đó...”.
Bình luận (0)