Có nên xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi nổi sông Hồng?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/05/2024 18:33 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng không nhất thiết phải sử dụng bãi bồi, bãi nổi sông Hồng để xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa vì Hà Nội còn nhiều chỗ khác. Ngược lại, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng đây là khu vực tiềm năng cần được khai thác nhưng cần quy định chặt chẽ.

Chiều 28.5, tiếp tục kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận về dự luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo luật trình Quốc hội đề xuất cho phép TP.Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Đây là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật và nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu.

Có nên xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi nổi sông Hồng?- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo và TP.Hà Nội "cân nhắc" quy định này. Ông Hòa phân tích, việc xây dựng các công trình công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng có thể ảnh hưởng tới dòng chảy của sông. Khi ảnh hưởng xảy ra, rất khó để giải tỏa được các công trình này.

"Tôi thấy thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng bãi sông, bãi nổi sông Hồng để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa. Chỗ khác cũng được chứ đâu cần chỗ này. Nó sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân rất lớn", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh đề nghị ban soạn thảo làm rõ căn cứ của quy định cho phép Hà Nội xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nhìn nhận, bãi bồi, bãi nổi hai bên bờ sông Hồng là vùng đất hầu như chưa được sử dụng. Nếu đưa vào được có thể là nơi sống, làm việc cho hàng triệu người. 

Có nên xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi nổi sông Hồng?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại phiên thảo luận

GIA HÂN

Tuy nhiên, chia sẻ với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Nguyễn Anh Trí lưu ý ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện nội dung này. "Đặc biệt là có sự quy hoạch thật tốt về mọi khía cạnh như trị thủy, giao thông, kết nối, an toàn, thuận tiện, điều hành. Hy vọng TP.Hà Nội sớm triển khai đưa khu vực tiềm năng tươi tốt ở sông Hồng vào sử dụng", ông nói.

Liên quan vấn đề này, báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là một nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, dự thảo luật giao HĐND thành phố quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà thủ đô có nhiều thế mạnh, tận dụng các lợi thế về không gian văn hóa, qua đó phát huy triệt để và đồng đều thị trường văn hóa trên địa bàn thành phố.

Ngoài quy định cho phép TP.Hà Nội xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa, dự thảo luật Thủ đô sửa đổi cũng quy định UBND TP.Hà Nội được quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố nói chung.

Theo đó, đất tại bãi sông, bãi nổi có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.