Tạo xung lực mới phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Mai Hà
Mai Hà
10/05/2024 06:38 GMT+7

Sáng 9.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng.

Tổ chức thực hiện phải "nói thật, làm thật, hiệu quả thật"

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, triển khai tinh thần Nghị quyết 30/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Là vùng có mức thu ngân sách lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3, song vùng Đồng bằng sông Hồng có 3 cái thiếu, gồm: thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, vùng có 5 hạn chế lớn, gồm: tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng. Hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp. Hạn chế trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng

NHẬT BẮC

Thủ tướng chỉ rõ các "từ khóa" trong triển khai quy hoạch và phát triển, liên kết vùng thời gian tới: truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững. Trong tổ chức thực hiện, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, "nói thật, làm thật, hiệu quả thật". Không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Với các dự án trọng điểm của vùng đang được triển khai, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường bộ cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình với việc tạo xung lực mới, không gian phát triển mới, kết nối các miền di sản của vùng.

Triển khai nhiều dự án quan trọng

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng trung du miền núi phía bắc, vùng Đồng bằng sông Cửu Long), gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%).

Quy mô nền kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3,1 triệu tỉ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam bộ 30,2%); GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam bộ 166 triệu đồng).

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng, đứng đầu cả nước (vùng Đông Nam bộ ước đạt 689.000 tỉ đồng). Thu hút vốn FDI năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,4 tỉ USD (đứng trên vùng Đông Nam bộ 11,4 tỉ USD), trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Đáng chú ý, trong 20 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công triển khai thực hiện 7 dự án, gồm dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô; đường Vành đai 5 vùng thủ đô (đã triển khai một số đoạn qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình); cải tạo, nâng cấp QL4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài; tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu Đuống trên tuyến đường thủy số 1 từ Hải Phòng - Quảng Ninh - Việt Trì; các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

Ngoài ra, 8 dự án đang triển khai gồm: đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Hà Nội - Vinh); tuyến đường sắt vành đai phía đông từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đầu tư xây dựng Nhà ga T2 sân bay Cát Bi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.