Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Ksor Phước Hà) đoàn Gia Lai hoàn toàn ủng hộ cần thiết phải ban hành luật để ngăn ngừa hậu quả khủng khiếp của rượu, bia. Tuy nhiên, theo đại biểu của Gia Lai, nhiều nội dung cần phải nghiên cứu cẩn thận, vì nếu không sẽ không đi vào được cuộc sống.
Dẫn điều khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên, hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức”, đại biểu Ksor Phước Hà cho rằng, nồng độ cồn như thế nào, bao nhiêu là đủ phụ thuộc vào thể trạng, cơ địa của từng người.
“Cùng một nồng độ cồn, cùng một lượng rượu bia, khi đưa vào máy đo với mỗi người lại cho kết quả khác nhau. Có người uống chỉ 1 ly thôi đã tắt thở rồi, nhưng có người uống 1 lít cũng bình thường. Ngay cả 1 đứa trẻ có thể uống vào thì không sao nhưng một người trưởng thành uống vào lại có sao. Ví dụ bản thân tôi, ngay từ khi còn bé, tôi uống rượu ở làng, uống vào bình thường thôi chứ đâu có làm sao, nhưng có người uống vào quay cuồng nằm bất tỉnh”, đại biểu Hà dẫn ví dụ thực tế, và kiến nghị cần điều chỉnh lại số lượng quy định về tính nồng độ cồn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì đề nghị cần có điều khoản đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đưa ngay vào dự thảo Luật, trong khi trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn đưa nội dung thuế rượu, bia vào các luật thuế.
“Đây là luật chuyên ngành nên ta phải đưa ngay vào, còn luật thuế sau có thì càng tốt. Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ ít dùng, hoặc không dùng”, đại biểu Phương đề nghị.
Trước đó, trong dự thảo luật quy định một loạt các hành vi nghiêm cấm như: sử dụng cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia; bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia.
Dự thảo cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Bình luận (0)