Ngày 20.3, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống”.
Bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ đảng viên
Trả lời tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức T.Ư, cho rằng nếu cán bộ cấp cao gương mẫu thì sẽ tạo động lực lớn và ngược lại, cán bộ cấp cao hành động xấu thì tác động ghê gớm, làm suy giảm niềm tin vào Đảng của nhân dân.
Đặc biệt, ông Hà nhấn mạnh việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa sâu sắc hơn là khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, xử lý cán bộ đảng viên có “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “tranh thủ chuyến tàu vét”.
Ông Hà cho biết, hiện nay chúng ta xử lý với cả những cán bộ đương chức và nguyên chức, vì thực tế có vấn đề vừa qua có rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật, nhưng vi phạm từ nhiều năm trước.
Theo ông Hà, lâu nay, trong một thời gian dài khi các cán bộ chuyển đi công tác khác, các cán bộ đã nghỉ hưu thì cứ coi là “hạ cánh an toàn”, có phát hiện ra thì cũng phải “thôi bác ấy chuyển đi rồi, cũng nghỉ hưu rồi, thôi nhẹ nhàng cho qua” nên không xử lý được hết sai phạm.
Tuy nhiên, trong 60 cán bộ cao cấp bị xử lý thời gian vừa qua, có nhiều cán bộ sai phạm từ cách đây 5, 10 năm.
“Chính chỗ này khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, vì đã có tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, còn 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên cứ ký đại đề bạt đại, bổ nhiệm đại. Đây là bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ đảng viên. Tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ và thậm chí là tranh thủ những chuyến tàu vét”, ông Hà nói.
Thực tế ông Hà cho biết, có “chuyến tàu vét” xảy lúc “gà lên chuồng”, cụ thể như vụ AVG, diễn ra trước Đại hội XII của Đảng chỉ có 5 ngày. “Sau Đại hội XII là lúc nhiều nhân sự, bộ trưởng mới sẽ bị thay thế. May mà “chuyến tàu vét” đó cuối cùng đã bị phát hiện, không được thông qua ga. Đây là điều rất đau đớn”, ông Hà nói.
|
Nêu gương trước hết phải nêu gương về xử lý kỷ luật
Trả lời câu hỏi vấn đề nêu gương đã được nói nhiều nhưng việc xử lý cán bộ đảng viên chưa nghiêm, ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, thừa nhận trong dân gian cũng râm ran chuyện này. Tuy nhiên, ông Nhị Lê cho rằng thực chất không phải.
“Tôi thấy không đúng, chưa bao giờ như bây giờ, chấp hành vô điều kiện kỷ luật của Đảng với cán bộ đảng viên, thực thi pháp luật công minh bình đẳng với công dân được thực thi rất nghiêm”, ông Lê nói và dẫn chứng trong 2 năm vừa qua, những đại án xảy ra không từ một cấp nào, không có vùng cấm, không ngoại trừ một ai.
“Trong lịch sử của Đảng lần đầu tiên 1 ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật vì tội tham nhũng, có đúng vậy không?”, ông Nhị Lê nói và cho rằng, nêu gương trước hết phải nêu gương về xử lý kỷ luật.
“Nếu đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách cao thì phải xử lý nặng hơn bình thường, đó chính là khía cạnh của nêu gương”, ông Nhị Lê nói.
PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa T.Ư, cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức, nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.
“Quốc hội đã nêu ra vấn đề “từ chức” nhưng phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị. Do đó, xây dựng văn hóa từ chức để những cán bộ, đảng viên thấy mình không xứng đáng thì thực hiện”, ông Vinh nói.
Bình luận (0)