Có nước sạch nhưng người dân ít dùng, nhà máy nước lao đao

25/11/2021 19:12 GMT+7

Tỷ lệ người dân sử dụng nước máy quá thấp khiến nhà máy nước Sài Gòn - An Khê (Gia Lai) gặp khó khăn trong kinh doanh , nợ nần chồng chất và có nguy cơ phá sản.

Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê (đặt tại P.An Phước, TX.An Khê, Gia Lai) vận hành và đi vào hoạt động từ tháng 7.2018 với công suất thiết kế 9.500 m3/ngày/đêm, cung cấp nước sạch cho TX.An Khê và 3 xã của H.Đăk Pơ (Gia Lai) với tổng vốn đầu tư hơn 160 tỉ đồng.

Nhà máy này có hai cổ đông chính là Sài Gòn Water và Licogi 16 có trụ sở ở TP.HCM. Việc triển khai dự án là niềm vui của nhiều người dân TX.An Khê và H.Đăk Pơ khi nhu cầu dùng nước sạch là thường nhật. Trong số 160 tỉ đồng vốn đầu tư, chủ đầu tư đã vay Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai 120 tỉ đồng.

Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê đứng trên bờ vực phá sản

Ảnh: Trần Hiếu

Tỷ lệ người dân sử dụng nước máy quá thấp

Nhưng từ khi hoạt động đến nay, nhà máy luôn trong tình trạng cung vượt cầu, không hoạt động hết công suất, do tỷ lệ người dân sử dụng nước máy chưa như kỳ vọng. Theo thống kê của công ty, thời điểm cao nhất cũng chỉ cung cấp khoảng 4.300 m3/ngày/đêm. Còn lại chỉ trung bình khoảng trên 3.700 m3/ngày/đêm.

Thực trạng trên khiến công ty lâm vào cảnh thua lỗ kéo dài qua từng năm. Tổng lỗ lũy kế kể từ khi nhà máy hoạt động đến thời điểm này đã hơn 50 tỉ đồng. Theo thông tin của nhà máy, hiện mạng lưới cấp nước đã đến với 9 phường, xã của TX.An Khê và 3 xã của H.Đăk Pơ với tổng chiều dài đường ống hơn 200 km. Trong ba năm qua, số khách hàng của công ty đạt 9.400.

Ông Nguyễn Vĩnh Thi, Phó giám đốc Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê, cho biết dự án này đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt an sinh xã hội cho đồng bào địa phương. Người dân tại đây được sử dụng nước sạch từ nguồn nước mặt an toàn, hợp vệ sinh, khắc phục tình trạng thiếu nước sạch do hạn hán và suy kiệt nguồn nước dưới đất. Nhà máy có thể nâng công suất lên 14.000 m3/ngày/đêm để đảm bảo nhu cầu của người dân.

Sau ba năm hoạt động, nhà máy luôn trong tình trạng thua lỗ

Ảnh: Trần Hiếu

“Tuy nhiên hiện chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Công ty tự nhìn nhận rằng đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và có nguy cơ phá sản. Điều này tác động nghiêm trọng đến việc duy trì hoạt động cấp nước bền vững…”, ông Thi nói.

Thực tế, tốc độ đô thị hóa ở hai địa phương vùng đông Gia Lai diễn ra khá chậm. Ở đây nhiều năm qua chưa có những khu đô thị, dân cư mới. Người dân chủ yếu sử dụng nước giếng và nước mưa. Nhiều gia đình lắp đồng hồ nước và chỉ sử dụng trong thời điểm hạn hán, thiếu nước.

Bờ vực phá sản

Theo báo cáo, mỗi tháng tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 880 triệu đồng trong khi tổng chi phí hoạt động là hơn 1,6 tỉ đồng, trong đó có khoản trả lãi vay với mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng. Tổng số tiền thiếu hụt hàng tháng khoảng 760 triệu đồng. Từ năm 2019 đến nay công ty đã lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Để duy trì hoạt động, công ty phải cầu cứu nguồn tài chính từ công ty mẹ là Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn. Song, từ năm 2020, các cổ đông không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính. Nếu không có các biện pháp tăng sản lượng tiêu thụ nước để tăng nguồn thu, chắc chắn công ty sẽ phải dừng hoạt động.

“Tuy được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ vận động, tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp nhưng tỷ lệ khách hàng đăng ký sử dụng nước còn thấp, chỉ đạt khoảng 66% trên tổng số hộ có đường ống nước đi qua. Mật độ dân cư tại các xã, phường còn thưa nên việc phát triển, lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn”, ông Thi cho biết.

Tỷ lệ người dân sử dụng nước của nhà máy còn thấp

ẢNH: TRẦN HIẾU

Với tình hình kinh doanh ảm đạm như vậy, công ty không thể trả lãi theo hợp đồng vay. Cuối tháng 12.2020, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai đã khởi kiện công ty ra tòa khi số nợ quá hạn đã hơn 10,1 tỉ đồng.

Từ tháng 4.2021, ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai, đã có cuộc họp với các sở ngành để nghe ý kiến của các địa phương về các giải pháp tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch thông qua hệ thống cấp nước tập trung và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai.

Tại đây, ông Đông đã chỉ đạo tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp để tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nước tập trung; hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng nhiều cách như tuyên truyền, đề nghị ngân hàng giãn nợ, lồng ghép các chương trình… Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt và Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê đang đứng trước bờ vực phá sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.