Người hướng nội nói gì?
Là một người hướng nội, Nguyễn Hữu Hưng, sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Trong một số bữa tiệc hoặc cuộc gặp gỡ, bản thân mình thích và có khả năng kết nối mọi người với nhau, cũng thường hay pha trò, đặc biệt với những nhóm nhỏ. Trước một tình huống mới hay gặp một người lạ, mình không cảm thấy lo lắng hay khép nép. Gặp người bạn mới mình rất phấn khởi và thoải mái vì được nghe thêm câu chuyện của họ. Nên khi gặp bạn mới, mình luôn có quan điểm họ là một trang sách và mình có cơ hội để tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn".
Cũng là người hướng nội, Nguyễn Hải Sơn, sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: "Khi tân sinh viên vào ký túc xá thì mình nhiệt tình hướng dẫn. Khi đứng trước đám đông phát biểu ý kiến mình thấy bình thường không có nhiều lo lắng. Khi gặp người lạ, mình không giao tiếp với họ chứ chẳng hề khép nép. Khi bản thân muốn chia sẻ vấn đề gì đó thì mình luôn tự tin. Bởi vì chỉ nói những gì mình đã trải qua rồi nên không sợ đối phương đánh giá như thế nào. Mình thoải mái nêu lên ý kiến và không có gì phải sợ cả".
Là người thiên về lối sống nội tâm, trong mọi hoàn cảnh luôn chú ý đến suy nghĩ và cảm xúc bên trong của mình, Đinh Thẩm Quyên (22 tuổi), nhân viên chăm sóc khách hàng của Công ty Concentrix, TP.HCM, nói: "Mình tham gia câu lạc bộ rất nhiều trong suốt quá trình học và bản thân cảm thấy làm tốt những vị trí từng đảm trách. Có lần, mình tham gia vào đội hậu cần của khoa tâm lý khi còn ở đại học, tổ chức các sự kiện có đông người tham gia. Hoặc mình tham gia trại hè dạy học cho các em nhỏ nhưng bản thân vẫn làm tốt và thích thú với những lúc như vậy".
Người hướng nội luôn ưu tiên và cởi mở hơn với một nhóm nhỏ và sẵn sàng chia sẻ những vấn đề bản thân thật sự quan tâm. Xu hướng lắng nghe nhiều hơn nói của người hướng nội khiến mọi người lầm tưởng là họ nhút nhát. Nguyễn Hải Sơn chia sẻ: "Nếu ai đó có suy nghĩ tôi nhút nhát hay ít nói thì người ấy chưa đủ tiếp xúc nhiều với tôi. Ít giao tiếp và hướng nội mặc dù gần nhau thật nhưng hai khái niệm này rất khác. Hướng nội thì ít nói những điều họ không quan tâm. Họ có thể nói nhiều hơn với người thân hay bạn bè về vấn đề họ yêu thích".
Còn với Thẩm Quyên, những cuộc hẹn có chủ đích luôn khiến cô gái này tỏa sáng hết mình trong giao tiếp. Thẩm Quyên nói: "Với những buổi tiệc có chủ đích tham dự thì mình đều luôn cố gắng để gặp gỡ mọi người và nói chuyện. Mình không dè dặt, ngần ngại khi đặt câu hỏi hay đưa ra chính kiến nếu cảm thấy thắc mắc".
"Khi gặp những tình huống mới hay người lạ, mình không quá run sợ mà đón nhận nó như bài học đầu tiên. Ngược lại, với những tình huống quen thuộc thì mình sẽ có kỳ vọng cao hơn, do đó bản thân hơi căng thẳng một chút nhưng không hẳn là rụt rè hay sợ sệt", Thẩm Quyên chia sẻ.
Luôn chọn cho mình các buổi nói chuyện có tính chuyên môn hoặc tâm sự những điều quan trọng trong công việc và tình cảm, Lê Trọng Nhân (23 tuổi), cựu sinh viên của Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: "Mình không thể duy trì và hòa nhập được với những cuộc nói chuyện mang tính trao đổi thông tin đơn thuần hay kể về người nổi tiếng này, vụ việc vừa mới xảy ra ở kia. Mình sẽ kiệt sức với những chủ đề đó vì cảm thấy nhàm chán và hụt năng lượng. Có lẽ vì những điều đó mà nhiều người nghĩ mình sống cô độc, giao tiếp kém, và có phần nhút nhát".
"Nhưng thật ra mình rất thích nói chuyện với các người bạn có chung chủ đề và sở thích liên quan đến những khía cạnh triết học, tâm lý, ước mơ của nhau… Và mình có thể dành hàng giờ đồng hồ để ngồi lại nghe và thảo luận với họ", Trọng Nhân giãi bày.
Bước ra "vùng an toàn" để khai phá tiềm năng
Thạc sĩ Phạm Văn Sỹ, Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội và quan hệ công chúng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chia sẻ: "Hướng nội và nhút nhát là 2 khái niệm hoàn toàn khác biệt. Về cơ bản, hướng nội đề cập đến thiên hướng của nhóm tính cách với nhiều đặc điểm rất phong phú và đa dạng. Còn nhút nhát (ngoài nét nghĩa chỉ về một nét tính cách) còn bao gồm những cảm nhận, đánh giá chủ quan không tốt về bản thân. Người hướng nội không có nghĩa là luôn thiếu tự tin và hay lo lắng nhưng người nhút nhát thì luôn bao gồm những nhận định không tích cực về bản thân, kèm với đó là sự thiếu tự tin, sợ hãi. Người hướng nội không có nghĩa là ngại và sợ giao tiếp xã hội, nhưng người nhút nhát thường e ngại và cố gắng tránh các tương tác xã hội".
Theo thạc sĩ Phạm Văn Sỹ, có rất nhiều quan niệm chưa đúng về người hướng nội như: thích sống cô đơn, ngại giao tiếp, thiếu tự tin, rất… kén chọn. "Việc xã hội tồn tại những "lầm tưởng" về các nhóm tính cách là điều không tránh khỏi và trên thực tế cũng không nhất thiết phải tìm cách xóa bỏ hoàn toàn định kiến này. Thay vào đó, mọi người nên nhận thức được sự đa dạng và khác biệt của từng nhóm tính cách (về hướng nội và hướng ngoại) là điều cần thiết trong cuộc sống nhằm tạo sự quân bình trong các tương tác xã hội", thạc sĩ Phạm Văn Sỹ nói thêm.
Thạc sĩ Phạm Văn Sỹ khuyên: "Các bài trắc nghiệm về tâm lý có thể là một cách hữu dụng để hiểu rõ về bản thân và những người khác hơn. Không nên hiểu về tính cách người khác chỉ thông qua việc cắt nghĩa của từ ngữ (nội bên trong, ngoại bên ngoài) và giới hạn nhận thức, cảm xúc, hành vi của một ai đó. Tính cách con người chịu sự tác động, chi phối của rất nhiều yếu tố, do vậy việc hiểu về người khác cần có thời gian và sự tham gia vào những công việc chung. Qua đó, để mọi người có thể quan sát, hiểu cặn kẽ về nhau và có những điều chỉnh phù hợp về nhận thức, hành vi".
Cũng theo thạc sĩ Phạm Văn Sỹ, với những người đang tự ám thị là hướng nội và giới hạn bản thân thì nên cho mình cơ hội để bước ra "vùng an toàn" để khai phá tiềm năng. Biết đâu, bạn sẽ phát hiện được những điểm mạnh mới nào đó của chính mình để vận dụng thành công trong công việc và cuộc sống.
Bình luận (0)